Ngày 10-7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định, đơn vị đã mở cửa xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Trong 2 ngày, dự kiến hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây sẽ giúp sông Tô Lịch được "thau rửa", sạch hơn.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25 cm. Công ty Thoát nước Hà Nội dự kiến xả hơn 1 triệu m3 nước ra sông Tô Lịch để đưa mực nước hồ Tây xuống mức bình thường. Thời gian mở cửa xả kéo dài khoảng 2 ngày. Dự kiến, sẽ có hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây chảy liên tục vào sông Tô Lịch trong 2 ngày 9 và 10-7. Việc này sẽ góp phần làm sông Tô Lịch sạch hơn.
Sông Tô Lịch hiện đang được Hà Nội áp dụng nhiều công nghệ xử lý nước thải với hy vọng hồi sinh dòng sông ô nhiễm lâu năm của Thủ đô
Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết đang trình thành phố phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây. Từ nguồn nước được bổ cập đó, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ cho xả trực tiếp từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Đây là một trong những phương án được các chuyên gia đánh giá sẽ có hiệu quả làm sạch sông Tô Lịch. Đề xuất lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch, là một nội dung nằm trong dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" của Công ty Thoát nước Hà Nội.
Theo đề án này, công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào hồ Tây. Sau đó, nguồn nước hồ Tây sẽ được điều tiết bằng cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.
Chiều ngày 9-7, cuối phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP, cho biết hiện các đơn vị liên quan đang thí điểm nhiều công nghệ mới để "hồi sinh" sông Tô Lịch và các ao hồ trên địa bàn thành phố.
"Với công nghệ mới, chúng ta đã xử lý rất hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ. Nếu chất này (chế phẩm Redoxy3C) đưa xuống sông Tô Lịch mà nước "đứng" thì xử lý được như các hồ ngay" - ông Chung khẳng định.
Ông Chung cho rằng vấn đề hiện nay là sông Tô Lịch vẫn là dòng chảy, nên thành phố đang áp dụng các công nghệ thí điểm làm sạch. Trước mắt Hà Nội sẽ cố gắng làm cho con sông này hết mùi. Vấn đề tiếp theo, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi nhà máy hoàn thành, một phần nước thải của Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… được thu gom, xử lý.
Theo tìm hiểu, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10-2016 (bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha), với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la, đến nay gần như vẫn… không có gì khởi sắc. Nguyên nhân chậm tiến độ được chủ đầu tư dự án cho biết là do phải thực hiện đấu thầu lại gói 3 (xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ). Năm 2019, dự án được bố trí vốn ODA hơn 70 tỉ đồng trong khi nhu cầu vốn cho các gói thầu 2, 3 và 4 của dự án dự kiến sẽ khởi công năm 2019 khoảng 1.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)