Thông tin được nêu trong báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban quản lý dự án) gửi Sở Giao thông vận tải báo cáo về sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Sau khi phát hiện sự cố đứt 4 bó cáp dự ứng lực tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Ban quản lý dự án, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT cùng Tư vấn Tedi đã khảo sát, đo đạc hiện trạng công trình như trắc dọc, độ võng nhịp dầm chính, khe hở giữa các đầu dầm nhịp chính.
Công nhân kiểm tra vị trí các vết nứt
Kết quả cho thấy, độ võng lớn nhất tại nhịp dầm chính cầu vượt theo hướng từ cầu Sài Gòn về quận 1 với vị trí biên phải là 22,2cm, vị trí tim cầu là 17,4cm, vị trí tim trái là 18,6cm.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng hoàn thành năm 2002, khai thác 20 năm, sữa chữa lần gần nhất năm 2017, đến nay tổng độ võng từ 17,4 cm đến 22,2 cm là lớn hơn nhiều so với độ võng cho phép.
Với độ võng trên, theo sơ đồ tính toán phần tử hữu hạn thì chuyển vị ngang tương ứng là 7,2cm, vượt quá chuyển vị cho phép 3,8cm.
Khe hở xuất hiện sau khi đứt cáp dự ứng lực
Để đảm bảo an toàn trong thời gian các bên khảo sát, đánh giá, lên phương án khắc phục, Ban quản lý dự án đề xuất phương án dùng các cáp dự ứng lực tạm để căng giữ 2 bên trụ của nhịp chính cầu vượt. Đồng thời, dùng hệ dàn giáo định hình chống đỡ nhịp dầm chính đặt trên mặt đường bê tông nhựa hiện hữu.
Tuy nhiên, phương án này không được các chuyên gia và Sở GTVT ủng hộ vì tính hiệu quả không cao.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã cấm tất cả các loại xe lưu thông
Mới đây, UBND TP HCM đã ra quyết định thành lập Tổ điều tra sự cố công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh do ông Võ Khánh Hưng – Phó giám đốc Sở GTVT làm tổ trường, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban giao thông là tổ phó cùng 14 thành viên thuộc Sở GTVT, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, chuyên gia…Tổ điều tra thực hiện giám định nguyên nhân sự cố công trình, báo cáo UBND TP kết quả khắc phục sự cố.
Bình luận (0)