Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, trao đổi thông tin với báo chí
Chiều 26-2, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã gặp gỡ báo chí để chia sẻ những thông tin liên quan đến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình ra tại Kỳ họp thứ 9 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Bớt thủ tục về ĐTM và giấy phép môi trường
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết dự thảo Luật có 17 chương, 176 điều (tăng 6 điều). Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; bổ sung mới 5 điều.
Và một trong những nội dung được cho là bước tiến lớn trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đó là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép môi trường (GPMT).
Theo TS Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Tổng cục Môi trường), đối với ĐTM, theo các quy định hiện hành, có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện ĐTM kèm theo mức độ yêu cầu về thủ tục bắt buộc thực hiện là như nhau giữa các đối tượng có những tính chất tác động đến môi trường khác nhau. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong những trường hợp dự án có tác động môi trường không đáng kể nhưng vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục về môi trường.
Theo quy định pháp luật hiện hành của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và một số luật liên quan như Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Thuỷ lợi 2017, sau giai đoạn ĐTM, phê duyệt dự án, trước khi dự án chính thức đi vào vận hành hoạt động, chủ dự án có thể phải thực hiện nhiều TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép xả khí thải; giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường...
TS Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra thuộc Tổng cục Môi trường
Tổng cục Môi trường cho rằng việc cùng lúc tồn tại nhiều văn bản có tính pháp lý sau ĐTM, nội dung quy định đôi khi không thống nhất (do quy định trong những thời điểm khác nhau và các cơ quan cấp phép khác nhau) gây khó khăn đối với cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát và cũng làm DN lúng túng trong quá trình thực hiện.
"Thậm chí trong nhiều trường hợp, việc chậm trễ trong hoàn thành các giấy phép do các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh từ các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước nêu trên gây ra những phí tổn lớn do chậm thầu của các nhà thầu, khiến chủ đầu tư rủi ro vì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước"- TS Mai Thế Toản nói.
Giảm chi phí và bớt "hành" cho doanh nghiệp?
Do vậy, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với quan điểm, chủ trương giảm thiểu gánh nặng TTHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các dự án nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, phân định rõ vai trò của công cụ ĐTM và các công cụ quản lý môi trường khác trong các giai đoạn xem xét đầu tư, thực hiện dự án, đồng thời hài hoà với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế.
Cụ thể, Dự án Luật đã xác lập rõ đối tượng phải thực hiện ĐTM và GPMT trên cơ sở tiêu chí về tác động đến môi trường của dự án đầu tư được xét theo quy mô, tính chất, mức độ tác động đến môi trường mà yêu cầu các thủ tục môi trường theo 4 nhóm dự án đầu tư khác nhau (gồm: nhóm 1: phải thực hiện ĐTM, không cần phải có GPMT; nhóm 2: phải thực hiện ĐTM và phải có GPMT; nhóm 3: không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; nhóm 4: không phải thực hiện thủ tục môi trường).
"Việc quy định những dự án ít có tác động tới môi trường (nhóm 3, nhóm 4) không phải thực hiện ĐTM sẽ làm giảm chi phí cho việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án có thể sớm triển khai thực hiện"- ông Toản cho hay.
Bên cạnh đó, TTHC cấp GPMT sẽ thay thế nhiều TTHC đối với dự án mà tổ chức, cá nhân đang phải thực hiện nay (giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước; giấy phép xả khí thải; giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường...)
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC cấp GPMT, dự án Luật đã thiết kế 2 loại GPMT được, gồm: GPMT chi tiết và GPMT đơn giản, phụ thuộc vào quy mô phát thải, loại hình sản xuất, mức độ gây ô nhiễm môi trường của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tương ứng với đó, thủ tục cấp GPMT cũng sẽ được quy định theo 2 mức với thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện, yêu cầu điều kiện... khác nhau. Trong dự án Luật, các nội dung này hiện quy định mang tính nguyên tắc, sẽ được cụ thể hoá trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Bình luận (0)