Dưới đây là trao đổi của luật sư Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội (QH), ủy viên Ủy ban Tư pháp QH (khóa 13, 14) - với phóng viên Báo Người Lao Động về những kỳ vọng trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước trong năm 2018
Siết lại kỷ cương, chấn chỉnh công tác cán bộ
Phóng viên: Những ngày qua, hàng loạt cán bộ (CB) bị kỷ luật, bị cách chức vì bị lộ chân tướng "nâng đỡ không trong sáng" hay "yếu kém trong quản lý"… được dư luận hết sức quan tâm và cho rằng công tác CB ngày càng được Đảng và nhà nước quan tâm, kỷ cương phép nước đang được "siết" lại, ông có nghĩ như vậy?
- Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Lâu nay, khi nói về yếu kém, khuyết điểm, sai lầm trong quản lý nhà nước, các nghị quyết Đảng, văn kiện nhà nước đều xác định nguyên nhân chủ quan là chính, nghĩa là do khâu CB. Các nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, nhất là việc xây dựng chính phủ "kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ" đều không đạt hiệu quả cao. Vì sao? Theo tôi, bởi vì chúng ta chưa đạt được những chuyển biến đáng kể trong việc xử lý CB, công chức (CC) hư hỏng, thoái hóa, kém năng lực. Nói nhiều, làm chưa được bao nhiêu, thậm chí, có nơi, có lúc, có việc lại càng tệ hơn.
Từ đầu năm 2017, đặc biệt, càng về cuối năm, việc xử lý CB, CC sai lầm, khuyết điểm và các "tệ nạn" trong công tác CB đã có những bước chuyển thực chất, hiệu quả, khiến niềm tin trong và ngoài bộ máy Đảng, nhà nước được khôi phục và lan tỏa. Nhiều người cho rằng lần này, lãnh đạo Đảng và nhà nước đang làm như đã hứa, thậm chí rất mạnh tay; kỷ cương, phép nước nói chung, tình hình năng lực, kỷ luật, đạo đức CB, nhất là công tác bố trí, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không có vùng cấm, không cho chìm xuồng, không cho "hạ cánh an toàn" đối với những CB, CC tham nhũng, phạm pháp, suy thoái, các loại "chạy" trong công tác CB.
Việc CB "thăng quan thần tốc" nhưng luôn được giải thích đúng quy trình. Vậy theo ông, quy trình hiện tại đã đúng chưa? Nếu chưa đúng thì cần thay đổi những gì để hoàn thiện?
Xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) sẽ diễn ra trong tháng 1-2018Ảnh: PHẠM DŨNG
- Câu hỏi này động đến một vấn đề có bản chất triết học. Đó là trong xã hội loài người, mọi loại quy định, từ pháp luật đến các quy tắc của định chế xã hội đều do con người làm ra, phục vụ cho mục đích của con người. Nó được thực hiện bởi con người và hiệu lực, hiệu quả của nó cũng do con người quyết định. Chỉ có thông qua thực tiễn hành động của con người mới biết quy định ấy tốt hay xấu, có khả thi không và tác dụng đến đâu. Các loại "quy trình" cũng vậy, dù được soạn thảo chặt chẽ đến đâu cũng được thực hiện bởi con người. Ví dụ: dù việc bảo vệ kho hàng được quy định chặt chẽ đến đâu mà người gác cổng, hay cấp trên của người gác cổng, cố tình tạo điều kiện cho kẻ trộm vào ăn cắp thì quy trình ấy đâu còn tác dụng gì!
Quy định, quy trình ngày càng chặt chẽ và hoàn thiện là điều luôn phải làm, phải có nhưng chính là con người, từ người soạn thảo, đến người chấp hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy trình ấy mới quyết định chất lượng và hiệu lực, hiệu quả của các quy định, quy trình, quy chế, quy tắc. Cuối cùng, phải trở lại với chân lý này: trong xã hội loài người, con người là yếu tố quyết định nhất của mọi yếu tố trong mọi hoạt động, mọi kế hoạch, mọi mục tiêu.
Công cuộc chống tham nhũng đang cao trào
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang cao trào và hình như đã không còn vùng cấm. Ông có nghĩ như vậy và kỳ vọng cũng như đưa ra kiến nghị gì để bít lỗ hổng trong công tác phòng chống tham nhũng?
- Như đã nói, do đặc thù của nạn tham nhũng là bệnh của quyền lực, mà trong hệ thống quyền lực thì "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Cách làm đúng, như đã ghi trong các nghị quyết của Đảng, là phòng và chống ở cấp cao trước, cấp thấp sau, từ trong bộ máy trước, ngoài xã hội sau, không có vùng cấm, không cho phạm pháp rồi "hạ cánh an toàn", xử lý phải thích đáng, dứt điểm. Lực lượng chống tham nhũng phải trong sạch, dũng cảm và nhất là phải thông minh hơn lực lượng tham nhũng. Với cách làm như vậy và nếu làm được như vậy, thì nhân dân ta, xã hội ta sẽ tràn đầy hy vọng là sẽ đẩy lùi, từng bước thu hẹp nạn tham nhũng ở nước ta.
Ông có nghĩ quan tham, tham nhũng nhiều là do kỷ cương, phép nước thời gian qua chưa được thực thi một cách nghiêm minh? Giờ phải chỉnh sửa và thêm chế tài gì để những kẻ coi thường kỷ cương, phép nước cũng như những kẻ dung túng phải ngán ngại khi dám coi thường?
- Kỷ cương, phép nước không thiếu, riêng Luật Phòng chống tham nhũng đã sửa lần thứ 2, đang được sửa lần thứ 3 và sẽ trải qua 3 kỳ họp, nghĩa là sẽ sửa đổi rất kỹ. Như nêu trên, trong quản lý xã hội nói chung và quản lý nhà nước nói riêng, quy định, quy trình phải luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là yếu tố con người. Có cán bộ tốt, đủ trình độ, năng lực, có ý thức trách nhiệm cao thì ngay cả khi quy định, quy trình có khiếm khuyết, có kẽ hở, họ cũng sẽ tìm cách hoàn thành nhiệm vụ, không để kẻ xấu lợi dụng, lạm dụng, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Tất cả những điều này, ngay từ năm 1947, trong Sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rất cặn kẽ và chỉ dẫn rất tận tình. Tuy Đảng cầm quyền chỉ mới 2 năm, Người đã nhìn thấy và nhìn thấu mọi khuyết tật hiện hữu và nguy cơ tiềm tàng của bộ máy quyền lực, cho dù khi ấy đội ngũ lãnh đạo đang sống trong rừng sâu, dưới bom đạn, trong tù ngục, đất nước nghèo khó, ngân khố kiệt quệ.
Chuyện liên tục triệt phá các tập đoàn tham nhũng với hàng loạt quan chức (cả cấp cao xộ khám) liệu có tác động đến uy tín của Đảng?
- Theo dõi diễn biến của công tác phòng chống tham nhũng từ 2 năm qua, nhất là từ đầu năm đến nay, dư luận trong nhân dân, CB, đảng viên đương chức và hưu trí đều rất "sốc", rất xót xa khi thấy nhiều tài nguyên đất nước, tài sản quốc gia, tiền thuế của dân, các khoản vay và viện trợ nước ngoài đã bị sử dụng một cách hoang phí, nhằm thỏa mãn lòng tham vô độ và ích kỷ của những CB, CC thoái hóa, biến chất. Tuy nhiên, cũng những người dân và CB đảng viên ấy lại đồng tình và hoan nghênh các chủ trương, quyết sách và hành động quyết liệt của lãnh đạo Đảng, nhà nước, thấy rõ đó là việc không thể không làm và phải tiếp tục làm, vì "tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ", hơn nữa, làm cho dân nghèo, nước yếu, ngày càng tụt hậu và lệ thuộc nước ngoài.
Nhân dân và CB, đảng viên, chắc chắn ai cũng muốn Đảng làm được những huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh tiền: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng… Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, tiến cử và trọng dụng người tài đức, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nói được làm được, hứa sao làm vậy: đó là con đường đúng nhất và duy nhất để bảo vệ uy tín của Đảng, giữ được quyền lãnh đạo đất nước trong sự tin cậy và yêu mến của nhân dân.
Nếu người xấu nhiều hơn, có quyền lực hơn, có vị thế cao hơn, giàu có hơn, mưu mô thâm độc hơn người tốt thì mọi quy trình đều mất tác dụng và kết quả cuối cùng là cái xấu sẽ thắng thế.
Bình luận (0)