Theo đó, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutis (Mỹ) để mua công nghệ vắc-xin mRNA phòng Covid-19. Vắc-xin do Arcturus Therapeutis chuyển giao cho Vingroup là ARCT-154. Hiện Vingroup đang xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin ARCT-154 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (TP Hà Nội), dự kiến hoàn thành vào tháng 11, sản xuất quy mô lớn sau khi vắc-xin có kết quả thử nghiệm lâm sàng đạt yêu cầu.
Vắc-xin ARCT-154 được phát triển theo công nghệ saRNA (self-amplifying mRNA-mRNA tự nhân bản), là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc-xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn. Hiện kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của VBC-COV19-154 tại Singapore và Mỹ cho tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 90%, đạt yêu cầu về độ an toàn và khả năng dung nạp. Theo kế hoạch, ngày 8-8 sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, thử nghiệm, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Trong đó, hợp đồng với Nga đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga. Trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam để chuyển sang giai đoạn 2, chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Bộ Y tế khuyến cáo những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó. Trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer-BioNTech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý với khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca.
Trước đề nghị của nhiều địa phương về việc xin đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết việc tham gia thử nghiệm lâm sàng cần phải đúng quy trình nghiên cứu, trước tiên thông qua Hội đồng Đạo đức, sau đó sẽ tổ chức đánh giá theo đúng các tiêu chí trong đề cương. Bộ Y tế không ủng hộ việc mua bán, mượn danh thử nghiệm lâm sàng để tiêm vắc-xin cho người dân khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Kết quả tiền lâm sàng hứa hẹn
Công ty Arcturus Therapeutics cùng đối tác Vinbiocare thuộc Tập đoàn Vingroup sẽ thử nghiệm lâm sàng cả 3 giai đoạn đối với vắc-xin ARCT-154 nhằm ngăn các biến thể SARS-CoV-2 gây lo ngại, gồm biến thể Delta. Nghiên cứu lâm sàng vắc-xin ARCT-154 của Arcturus Therapeutics sẽ đánh giá tính an toàn, khả năng tạo miễn dịch và mức độ hiệu quả của vắc-xin công nghệ tiên tiến mRNA tự nhân bản phòng ngừa SARS-CoV-2 ở người từ 18 tuổi trở lên. Theo trang Business Wire (Mỹ), nghiên cứu dự kiến thu hút lên tới 21.000 người tham gia trong cả 3 giai đoạn, gồm 20.000 tình nguyện viên trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3, với việc tiêm 2 liều vắc-xin cách nhau 28 ngày.
Thành lập năm 2013, Arcturus Therapeutics sản xuất vắc-xin và thuốc mRNA giai đoạn lâm sàng, tập trung phát triển các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm và các loại bệnh hiếm gặp về gan và hệ hô hấp. Đến nay, có 2 loại vắc-xin ngừa Covid-19 dùng công nghệ mRNA được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt là của hãng Pfizer-BioNTech và Moderna. X.Mai
Bình luận (0)