Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào quy định hiện hành để xem xét, quyết định thời điểm cụ thể dừng hoạt động bến phà Vàm Cống; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và bến phà Vàm Cống về thời gian dừng hoạt động để người tham gia giao thông biết, thực hiện.
Cầu Vàm Cống chính thức thông xe mang lại nhiều thuận lợi cho khu vực ĐBSCL
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý các vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy, tài sản của bến phà Vàm Cống theo quy định của pháp luật.
Phà Vàm Cống có bến nằm trên tuyến Quốc lộ 80, nối TP Long Xuyên của tỉnh An Giang và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Sau khi cầu Vàm Cống chính thức thông xe vào ngày 19-5, phà Vàm Cống cũng sẽ kết thúc sứ mệnh trăm năm đưa khách qua sông của mình.
Phà Vàm Cống sẽ còn lại trong ký ức của nhiều người dân vùng ĐBSCL
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có phương án giải quyết việc làm cho cán bộ, công nhân viên lao động (CBCNV-LĐ) của bến phà Vàm Cống sau khi bến phà này giải thể. Lao động thuộc bến phà Vàm Cống sẽ được Cụm phà Vàm Cống sắp xếp, bố trí về làm việc tại các bến khác thuộc cụm phà. Những người không tiếp tục làm việc, cụm phà giải quyết thôi việc và chi trả chế độ theo quy định. Cục Quản lý Đường bộ IV sẽ chủ động làm việc với địa phương để giới thiệu những lao động có nhu cầu làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Phà An Giang.
Hiện bến phà Vàm Cống có 161 nhân sự. Qua khảo sát nguyện vọng, 42 người muốn thôi việc, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. 105 người có nguyện vọng được tiếp tục làm việc tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc cụm phà Vàm Cống như Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt và Láng Sắt. "Dự kiến, nguồn kinh phí trả trợ cấp đối với người lao động có nguyện vọng được thôi việc gần 1,2 tỉ đồng" - ông Thành thông tin.
Bình luận (0)