Ngày 1-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên 45 (lần 2), cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của QH giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ và nhiều nội dung khác.
Kiến nghị giảm 30% thuế
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết để góp phần hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phát triển, Chính phủ trình QH áp dụng chính sách giảm thuế cho DN. Theo đó, giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với 2 đối tượng sau: DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).
Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% thuế TNDN như nói trên sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 15.840 tỉ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN vừa, có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỉ đồng.
Các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết như lý do đã nêu tại tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và một số đại biểu đề nghị không nên gọi là "hỗ trợ cho các DN nhỏ và siêu nhỏ", vì khái niệm DN nhỏ và siêu nhỏ không phù hợp với quy định tại dự thảo nghị quyết này. Vì thế, nên xem xét tên của nghị quyết theo hướng là "Nghị quyết giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với một số DN".
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ UBTVQH nhất trí sự cần thiết ban hành "Nghị quyết giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với một số DN". Trên cơ sở đó, lấy tiêu chí về doanh thu và lao động làm căn cứ để giảm. UBTVQH đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thành báo cáo thẩm tra, để đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020 và trình ra QH biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 này theo trình tự một kỳ họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị để 3 văn phòng đoàn ĐBQH-HĐND-UBND trở về như cũ Ảnh: NGUYỄN Ý
Hợp nhất 3 văn phòng không hiệu quả
Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng đã xem xét, cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của UBTVQH về việc thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cho rằng việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng còn mang tính cơ học, chưa thực sự mang lại hiệu quả, mới chỉ giảm đầu mối người đứng đầu (chánh văn phòng và người đứng đầu đơn vị thuộc văn phòng), chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Bên cạnh đó, 3 văn phòng giúp việc cho 3 chủ thể khác nhau với các thiết chế biệt lập nên khi hợp nhất, năng lực tham mưu đều bị hạn chế và rất khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đánh giá thời gian thí điểm hợp nhất 3 văn phòng vừa qua chưa đạt được hiệu quả cao. Qua thực tế tham dự các hội nghị, hội thảo về nội dung này tại các địa phương thực hiện thí điểm, đa số đại diện HĐND ở các địa phương này đều không tán thành với việc hợp nhất và chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn.
Từ thực tiễn trên, bà Tòng Thị Phóng đề nghị để 3 văn phòng trở về hoạt động như cũ.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng văn phòng ĐBQH, văn phòng HĐND và văn phòng UBND là 3 tổ chức với những quyền hạn, vai trò và nhiệm vụ khác nhau, có vị trí pháp lý độc lập. Do vậy, cần có văn phòng riêng để tham mưu, phục vụ.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng khẳng định sau 1 năm thực hiện thí điểm, việc hợp nhất 3 văn phòng đoàn ĐBQH-HĐND-UBND chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu mong muốn đặt ra. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình UBTVQH với những vấn đề đã được các đại biểu chỉ ra; đồng thời báo cáo với Bộ Chính trị về kết quả thực hiện thí điểm này.
Chuyển đầu tư công 3 dự án đường cao tốc
Cũng tại phiên họp lần thứ 45, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 -2020.
Cụ thể, Chính phủ đã xây dựng các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên như sau: Phương án 1: Chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỉ đồng. Trong đó, đã bố trí kế hoạch 2016-2020 là 55.000 tỉ đồng; cần bổ sung thêm vốn NSNN 44.493 tỉ đồng .
Phương án 2: Chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn NSNN khoảng 88.059 tỉ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016-2020 là 55.000 tỉ đồng, cần bổ sung thêm 33.056 tỉ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỉ đồng.
Phương án 3: Chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng. Trong đó, vốn NSNN khoảng 78.461 tỉ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016-2020 là 55.000 tỉ đồng, cần bổ sung thêm 23.461 tỉ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nêu rõ trong phương án 1, UBTVQH đã kết luận không tán thành tại kết luận Phiên họp thứ 45 (lần 1). Với phương án 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng phương án này cũng không phù hợp với các yêu cầu tại kết luận của UBTVQH.
Về phương án 3, báo cáo thẩm tra cho biết có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa số ý kiến cơ bản nhất trí với phương án chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công (đã bao gồm dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển).
Phát biểu thảo luận, cả Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đều đồng ý với phương án chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án (theo phương án 3).
Sau quá trình thảo luận, UBTVQH thống nhất lựa chọn phương án này và đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình để trình ra tại kỳ họp thứ 9 để QH xem xét quyết định.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: "Đòi" thêm 50 triệu USD
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi UBTVQH, QH về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Dự án do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 (Trung Quốc) là tổng thầu EPC, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó: vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD), vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Dự án khởi công tháng 10-2011, kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong quý II/2019. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể vận hành khai thác thương mại dù việc giải ngân từ đầu dự án đã đạt hơn 14.737 tỉ đồng.
Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu những vướng mắc trong quá trình triển khai. Về hồ sơ hoàn công và nghiệm thu, qua rà soát về hiện trạng, số lượng hồ sơ chưa đủ điều kiện nghiệm thu và cần phải hoàn thiện thủ tục pháp lý các bên. Báo cáo cũng nêu các khó khăn, vướng mắc về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Đáng chú ý, báo cáo cho biết tổng thầu Trung Quốc có nhu cầu cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.
Bình luận (0)