Ngày 9-11, Quốc hội (QH) bước sang ngày thứ 2 chất vấn các thành viên Chính phủ. Nhiều nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực đầu tư - xây dựng, y tế, văn hóa - xã hội được nhiều đại biểu (ĐB) phản ánh và chất vấn các tư lệnh ngành.
Không mở rộng cảng Cát Lái
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) cho biết trung bình 1 ngày đêm có khoảng gần 20.000 lượt xe container ra vào cảng Cát Lái (TP HCM), gây nên tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ tai nạn giao thông ở một số tuyến đường nội đô phía Đông TP.
"Cử tri TP HCM mong muốn bộ trưởng cho biết có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, logistics và vấn đề giao thông nói trên?" - ĐB Đức hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng Cát Lái là một trong những cảng lớn của TP HCM. Sau quá trình phát triển thì hiện nay có tình trạng ùn tắc giao thông ở khu phía Đông của TP, đặc biệt là trên tuyến đường dẫn các xe container đi vào cảng Cát Lái.
Để giải quyết việc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thời gian qua Chính phủ đã có những chủ trương liên quan đến di dời một số cảng và một số giải pháp để giảm tải cho cảng Cát Lái. Cụ thể như hạn chế về quy mô, không cho mở rộng thêm cảng Cát Lái. Bộ GTVT cùng TP HCM triển khai xây dựng một số cầu vượt; khuyến khích phát triển vận tải thủy từ miền Tây đi về TP HCM. Đặc biệt, vừa qua, Bộ GTVT đã nâng cầu Bình Lợi để tàu container từ Đồng Nai, Bình Dương có thể trực tiếp đến cảng Cát Lái.
"Đây là 3 giải pháp chúng tôi cùng TP đang thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin và cho biết Bộ GTVT cũng đã triển khai một loạt các giải pháp gián tiếp như phát triển một số cảng mới, đặc biệt là cảng Bình Điền ở phía Nam TP HCM và khai thác hiệu quả cảng Cái Mép - Thị Vải; triển khai đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để xe từ miền Tây đi cảng Cái Mép - Thị Vải không qua TP HCM và cảng Cát Lái.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang trình Chính phủ chủ trương đầu tư đường cao tốc Đồng Nai - Vũng Tàu để xe đi xuống cảng Cái Mép - Thị Vải thuận lợi hơn, không phải qua khu vực Cát Lái. Hiện Thủ tướng đã đồng ý chủ trương triển khai đường Vành đai 3 của TP HCM và báo cáo QH chuyển dự án này sang hình thức đầu tư công.
"Với những công trình đang triển khai, tình trạng ùn tắc ở khu vực này sẽ được cải thiện. Bộ GTVT sẽ làm việc với TP HCM để có giải pháp căn cơ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP nhưng vẫn bảo đảm an toàn giao thông, tránh ùn tắc" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực từ trung ương cũng hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùngẢnh: Nguyễn Nam
Bổ sung 2 tỉ USD cho ĐBSCL
Tại phiên chất vấn, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ kết nối vùng ĐBSCL, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
"Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào để ban hành kế hoạch thực hiện theo nghị quyết cho bà con vùng ĐBSCL được nhờ" - ĐB Hòa chất vấn bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết theo Nghị quyết số 120/NQ-CP, cơ quan này được giao 4 nhiệm vụ, gồm: Rà soát cơ chế điều phối vùng; lập quy hoạch cho vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng một danh mục dự án đầu tư quan trọng cho vùng ĐBSCL; huy động và bố trí nguồn lực. Theo bộ trưởng, danh mục dự án dự kiến đầu tư các công trình quan trọng của vùng ĐBSCL đã được đánh giá và lựa chọn xong.
Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tháng 12 sẽ trình Chính phủ chính thức, hội đồng thẩm định nhà nước sẽ xem xét và báo cáo để cấp có thẩm quyền thông qua vào đầu năm 2021.
"Đây là quy hoạch hết sức quan trọng đối với ĐBSCL" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết đây là những cơ sở để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian sắp tới của vùng.
Về nguồn lực cho vùng ĐBSCL, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 4 nguồn lực quan trọng. Thứ nhất, Bộ GTVT sẽ tính toán và thống nhất cho những tuyến quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cà Mau đến Bạc Liêu và Bạc Liêu đến Cần Thơ. Thứ hai là nguồn lực của địa phương, lấy từ nguồn được hỗ trợ của trung ương cộng với ngân sách của địa phương để thực hiện các dự án hạ tầng.
Thứ ba là nguồn lực của trung ương. Hiện Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho ĐBSCL 2 tỉ USD trong giai đoạn tới. Riêng từ năm 2021 đến 2025, các cơ quan của Chính phủ sẽ xây dựng một dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ thông qua ngân sách (khoảng 1,05 tỉ USD) để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho ĐBSCL, một số hồ như ở tỉnh An Giang và một số đường giao thông quan trọng đối với một số tỉnh không có đường ven biển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguồn lực từ trung ương cũng hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng. Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để có điều kiện phát triển trong thời gian tới.
Thứ tư là nguồn lực huy động từ vốn xã hội thông qua hợp tác đối tác công tư.
Hôm nay, 10-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chốt lại phiên chất vấn, trực tiếp trả lời một số vấn đề mà các ĐB đặt ra.
Bảo đảm quyền lợi của dân nơi "quy hoạch treo"
Trả lời chất vấn của ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về vấn đề quy hoạch treo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 quy định nếu như quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được công bố 3 năm sau không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí cả xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép cụ thể. Nếu hết thời hạn này, quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục thực hiện giấy phép đã được cấp về cải tạo và xây dựng mới nhà ở.
Về dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP HCM), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết có những nhà khoa học và cử tri hết sức băn khoăn là sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và rừng ngập mặn Cần Giờ. ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT nêu các giải pháp để triển khai dự án nhằm thúc đẩy kinh tế của địa phương nhưng vẫn bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng quá trình thực hiện dự án đã đặt ra các mục tiêu phải giữ được biểu tượng đó, đó là lá phổi, giữ được hệ sinh thái, sinh quyển đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận. Mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế phải dựa trên sự cân bằng về sinh thái.
Xử lý vi phạm tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thực hiện khách quan
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 9-11, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đăng ký tranh luận về vấn đề xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng). Nội dung này được ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu ra tại buổi chất vấn ngày 6-11.
Theo ông Hiểu, ông Lê Vinh Danh được Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ nhiệm lại vào năm 2014. Luật Giáo dục đại học tại điểm d, khoản 2 điều 16 quy định thẩm quyền hội đồng trường là quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học... trong trường hợp trường có hội đồng trường. Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường đại học công lập và thời điểm kỷ luật ông Danh thì trường chưa có hội đồng.
Ông Hiểu nhấn mạnh theo quy định của pháp luật thì không có hình thức xử lý kỷ luật nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm. Trong trường hợp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm (ông Lê Vinh Danh - PV) mà chỉ thi hành kỷ luật theo quy định của pháp luật. Cụ thể, trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng LĐLĐ Việt Nam lựa chọn hình thức cách chức.
Ông Hiểu khẳng định việc xử lý vi phạm tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thực hiện công bằng, khách quan, chặt chẽ, thận trọng, đánh giá toàn diện công và tội, nhằm tiếp tục duy trì và phát triển bền vững nhà trường trên cơ sở xin ý kiến các cơ quan chức năng; Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa để trường tự chủ, để đạt những kết quả nổi bật như thời gian qua. Tuy nhiên, tự chủ phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý cấp trên.
Bình luận (0)