Ngày 7-6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (QH), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ giảm thời gian cho thuê đất 99 năm trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu kinh tế).
Hoan nghênh mọi góp ý
Thủ tướng cho biết: "Chúng ta lắng nghe ý kiến của nhân dân, đại biểu (ĐB) QH, giới trí thức và các vị lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế".
Theo người đứng đầu Chính phủ, trên thế giới này, nhiều nước đã làm Luật Đặc khu kinh tế, gần nhất có Trung Quốc và Nhật Bản. Có nhiều nước thành công, cũng có những nước không thành công. Theo Thủ tướng, khi đưa ra dự án luật đã nhận được rất nhiều ý kiến của nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần, khí thế hết sức sôi nổi ấy và nhấn mạnh: "Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước".
Thủ tướng khẳng định để an ninh quốc gia và an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu,
vì thế không lo một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền Ảnh: QUANG VINH
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, bảo đảm đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh. "Nhưng sự phát triển phải là sự phát triển bền vững, bảo đảm độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, bảo đảm quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam của chúng ta" - Thủ tướng trấn an.
Giảm thời gian thuê đất, không để độc quyền đầu tư
Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định: "Tôi nghĩ rằng lắng nghe ý kiến, chúng ta phải điều chỉnh lại thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân phản ánh với chúng ta".
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng thực tế nhiều người đã hiểu nhầm về vấn đề này, đồng thời giải thích thêm đây chỉ là đất thuê và đều theo quy trình hằng năm UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải giao vĩnh viễn như nhượng tô, nhượng địa ở Hồng Kông trước đây. Thủ tướng khẳng định an ninh quốc gia và an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu. Vì thế, mọi người không lo một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào đặc khu có cơ cấu phù hợp, tỉ lệ cần thiết chứ không phải chỉ của một nước. Ở châu Á, một số nước đã cho thuê đất 99 năm như Trung Quốc, Malaysia. "Quan điểm xuyên suốt là tất cả ý kiến đều phải được lắng nghe, xem xét. Nếu có quy định 99 năm thì đó cũng là trường hợp đặc biệt, chỉ áp dụng đối với những cơ sở hạ tầng quan trọng mà phải đầu tư vốn rất lớn, phải thuê đất lâu dài. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của dư luận, trình QH, lắng nghe ý kiến ĐBQH theo hướng điều chỉnh thời gian thuê đất xuống, bảo đảm nguyện vọng của nhân dân. Còn xuống bao nhiêu thì QH sẽ xem xét quyết định" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tạo thể chế, môi trường đầu tư tốt để có thể cạnh tranh thì các chính sách phải vừa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng phải bảo đảm quyền lợi quốc gia, dân tộc là tối thượng.
Đề nghị thận trọng xem xét dự Luật Đặc khu
Chiều 7-6, phát biểu tại thảo luận tổ về Luật Chăn nuôi và Luật Công an Nhân dân sửa đổi nhưng ĐBQH Nguyễn Văn Được (Hà Nội), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đã dành thời gian để nêu quan điểm về Luật Đặc khu kinh tế.
Theo vị ĐB là Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Làm kinh tế dứt khoát phải làm nhưng không phải bằng mọi giá, nhất là trong điều kiện của ta thì cả 3 khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều nhạy cảm".
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đến dự họp tổ, ĐB Được nói: "Đề nghị Tổng Bí thư tính toán hết sức chi li và cần phải tính. 70 năm, 99 năm họ vào đó làm gì? Đà Nẵng, Ninh Thuận chưa có đặc khu kinh tế nhưng Trung Quốc đã đưa tiền cho người dân để dân mua đất cho họ". Ông bày tỏ thêm: "Thay mặt cho hơn 4,5 triệu hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tôi đề nghị Đảng, nhà nước xem xét một cách thận trọng. Nhân dân đang có ý kiến bức xúc về đặc khu, do đó nên nghe cử tri, cựu chiến binh đề xuất".
"Mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng, chậm một chút cũng không sao. Như Đà Nẵng không phải là đặc khu mà phát triển cũng rất mạnh" - ông Được đề nghị.
Cùng ngày, thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2019, ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị lồng ghép làm một chương trình giám sát ở 3 nơi dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế. "Để chặt chẽ thì Luật Đặc khu kinh tế cần phải cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này, tiến hành kiểm tra đất ở các khu đó và thông qua trong kỳ họp tới thì sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của ĐBQH hôm thảo luận về kinh tế - xã hội" - ông Giang kiến nghị.
V.DUẨN - T.DŨNG - P.NHUNG
Bình luận (0)