Tướng lĩnh trong quân đội hay công an thì cũng là cán bộ cao cấp của Đảng, nhà nước, nên cũng như tất cả mọi công chức là khi làm tốt, có nhiều cống hiến thì được ghi nhận, tưởng thưởng, phong chức, phong hàm; ngược lại, sai phạm thì phải xử lý theo các quy định.
Nguyên tắc là vậy nhưng lâu nay có việc không ít quan chức cấp cao, dù có sai phạm nhưng rất ít thấy công khai xử lý nghiêm minh, thậm chí chỉ rút kinh nghiệm rồi "hạ cánh an toàn". Bởi vậy, khi nói về việc xử lý sai phạm, đặc biệt là về công cuộc chống tham nhũng của nước ta, rất nhiều người vẫn nhất quyết là có "vùng cấm", để chỉ những giới hạn mà ở đó quan chức dù có sai phạm thì cũng không hề gì.
Cuối năm 2017, báo chí đăng tải thông tin khi cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định "không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực". Nghe thế, không ít người đã lên mạng xã hội Facebook bày tỏ sự ủng hộ với quyết tâm của Tổng Bí thư nhưng cũng mong đợi điều đó phải được chứng minh, chí ít là qua việc xử lý trường hợp cụ thể của ông Đinh La Thăng.
Sở dĩ dư luận quan tâm tới việc xử lý ông Đinh La Thăng là bởi như ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, phát biểu trên báo chí thì "trước đó, từng có trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật nhưng chỉ bị cách chức, khai trừ Đảng mà thôi". Vì vậy, với trường hợp ông Đinh La Thăng, vốn là một ủy viên Bộ Chính trị, điều đó đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy, không có bất cứ rào cản nào khi xử lý cán bộ, dù người đó giữ chức vụ rất cao. Điều này cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ của Đảng và nhà nước ta là không có "vùng cấm".
Thực tế đã chứng minh không chỉ vụ ông Đinh La Thăng được xử lý nghiêm mà tiếp đó là hàng loạt cán bộ cao cấp khác. Có cán bộ đã nghỉ hưu, có người đương chức, có người đã điều động qua vị trí khác. Nhiều người bày tỏ chưa bao giờ nghĩ đến việc những vị quyền cao chức trọng từng "hét ra lửa" cũng bị đề nghị xử lý hoặc truy tố.
Chưa hết, một loạt tướng lĩnh quân đội và công an cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương xử lý kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật. Mới nhất là việc Bộ Chính trị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành vì đã có những vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, ngành công an và cá nhân, gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội.
Chắc chắn việc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm sẽ chưa dừng lại, dù đó là việc không hề đơn giản. Những việc mà Đảng và nhà nước thể hiện đã cho thấy sẽ không có "vùng cấm" nào trong việc xử lý, đặc biệt là xử lý cán bộ suy thoái, liên quan tham nhũng, tiêu cực.
Bình luận (0)