* Phóng viên: Sau những luận án "tiến sĩ cầu lông" hay luận án được nhân bản hàng loạt kiểu "cừu Dolly" mà báo chí lên tiếng về chất lượng chuyên môn, bà có thể chia sẻ gì về điều này?
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy
- PGS-TS Nguyễn Thu Thủy: Bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ là điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) luôn hướng tới khi hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách.
Theo quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT, yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới, giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.
Việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình ba bước chặt chẽ. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án tiến sĩ khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát.
Tôi khẳng định, quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo.
Những quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách cầm cân nảy mực phản biện luận án... phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang dễ dãi trong quá trình đào tạo và đánh giá để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm được đào tạo; nâng cao nhận thức về việc minh bạch thông tin, giữ gìn uy tín về chất lượng chuyên môn chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định theo đúng quy chế.
Một số luận án tiến sĩ mà dư luận lên tiếng thời gian qua
* Đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân lực có trình độ cao. Sau những luận án tiến sĩ mà dư luận phê phán, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng tiến sĩ. Quan điểm Bộ GD-ĐT như thế nào?
- Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học và thực hiện vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo, đồng thời đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn... nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ.
Bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các cơ sở đào tạo chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận.
Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý.
* Kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN), trong đó có các vi phạm liên quan đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã được giải quyết như thế nào?
- Theo thông báo Kết luận thanh tra số 638/TB-TTCP ngày 29-4-2022 của Thanh tra Chính phủ tại Viện Hàn lâm KHXHVN, trước năm 2017, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm, từ năm 2017 đến nay đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn kiến nghị yêu cầu học viện bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo.
Về vấn đề này, năm 2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ kèm Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30-8-2021 và quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28-6-2021. Các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nói chung và Học viện KHXHVN nói riêng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình đào tạo căn cứ vào 2 văn bản hướng dẫn này, đồng thời bảo đảm các yêu cầu tối thiểu quy định tại các quy chế.
Từ năm 2017 đến nay, Học viện KHXHVN đã được thanh tra, kiểm tra bởi ba cơ quan chức năng là Bộ GD-ĐT, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Công tác tuyển sinh và đào tạo của học viện thường xuyên được chỉ đạo, chấn chỉnh theo hướng bảo đảm đúng quy định và ngày càng cải tiến chất lượng. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, làm việc trực tiếp với Học viện KHXHVN và Viện Hàn lâm KHXHVN để làm rõ các nội dung liên quan.
Bình luận (0)