Ngày 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành và chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố.
14 bộ, ngành, 1 địa phương giải ngân dưới 20%
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được Quốc hội quyết nghị là hơn 526.105 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 222.000 tỉ đồng và địa phương là 304.105 tỉ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỉ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là hơn 542.105 tỉ đồng. Đến ngày 23-9, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỉ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết kết quả thực hiện từ đầu năm đến ngày 30-9-2022 ước trên 253.148 tỉ đồng, đạt 46,7% kế hoạch. Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương đạt tỉ lệ giải ngân trên 70%; 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó 14 bộ, cơ quan trung ương cùng 1 địa phương đạt dưới 20%.
Theo lãnh đạo một số địa phương, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công một phần do khâu tổ chức thực hiện còn hạn chế; một phần do nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn triển khai các dự án thành phần nên địa phương lúng túng, không dám triển khai. Bên cạnh đó là một số chính sách có điều chỉnh; phát sinh vướng mắc trong quy định đối với nguồn vốn nước ngoài; khan hiếm vật liệu, giá vật tư xây dựng tăng dẫn đến nhà thầu chần chừ...
Đại diện các bộ, ngành thừa nhận việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, một phần do vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do yếu kém trong tổ chức triển khai, thực hiện. Trong đó, năng lực quản lý, triển khai dự án còn hạn chế, khâu chuẩn bị đầu tư của các địa phương chưa tốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công Ảnh: Nhật Bắc
Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, công tác này được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, 36 bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương trong 3 tháng liên tiếp của quý III/2022 có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thủ tướng chỉ rõ những nguyên nhân chính dẫn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn thiếu quan tâm, sâu sát; kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm; xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số nơi... "Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2022" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỉ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.
Thủ tướng cũng quán triệt các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
TP HCM kiến nghị thống nhất vốn kế hoạch năm 2022
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận TP HCM là một trong những địa phương giải ngân thấp nhất. Báo cáo kết quả cập nhật đến ngày 23-9, thành phố đã giải ngân được 10.877 tỉ đồng trên tổng số 37.997 tỉ đồng. Sắp tới, thành phố sẽ tập trung vào trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án qua kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm.
Về phần tính tỉ lệ, thành phố có kiến nghị báo cáo Thủ tướng là Quốc hội và Thủ tướng giao cho thành phố lúc ban đầu là gần 52.000 tỉ đồng, sau này giao thêm bổ sung trong kế hoạch là 54.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại 21%, thành phố bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại bố trí chi đầu tư phát triển. Năm nay, theo Nghị quyết của HĐND TP HCM, đến thời điểm này, cân đối lại nguồn thu thì thành phố chỉ bảo đảm cân đối được 42.508 tỉ đồng. Vì thế, cùng với kiến nghị xem xét điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách, TP HCM kiến nghị Chính phủ có sự thống nhất về số tổng, thống nhất vốn kế hoạch năm 2022 là 42.508 tỉ đồng. Đồng thời, thành phố đề nghị Thủ tướng sớm có quyết định thành lập tổ đôn đốc giải quyết những khó khăn cho thành phố để giúp giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến đầu tư công và những nhiệm vụ khác.
B.T.Q
Bình luận (0)