Đó là một trong những nội dung nổi bật đang được Bộ Công Thương đề xuất khi xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 40/2018/NĐ-CP năm 2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2018 đến nay có gần 20 DN nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và hơn 2/3 trong đó là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc bổ sung điều kiện trên nhằm sàng lọc, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.
"Việc yêu cầu DN có kinh nghiệm hoạt động 3 năm ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận có cơ sở đánh giá tín nhiệm của DN, mặt khác cũng chọn lọc được các DN có kinh nghiệm quản lý nội bộ vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hàng trăm ngàn người tham gia" - đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Hiện nay, các DN bán hàng đa cấp không thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện để triển khai hoạt động kinh doanh. Nghị định 40 quy định trường hợp DN không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương nơi DN có hoạt động bán hàng đa cấp thì phải cử một người đại diện tại địa phương đó. Người đại diện này sẽ đăng ký với Sở Công Thương để làm đầu mối làm việc của DN tại địa phương này.
Tuy nhiên trên thực tế, quy định này không phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo phản ánh của các Sở Công Thương, DN thường cử người đại diện mang tính chất đối phó. Khi các sở liên hệ làm việc, người đại diện thường không nắm được thông tin về hoạt động của DN, chỉ tiếp nhận sau đó chuyển về trụ sở chính xử lý.
Để giải quyết vấn đề này, trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1, quy định DN có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nào phải thành lập chi nhánh ở địa phương đó. Phương án 2, giữ nguyên quy định như hiện nay nhưng đưa ra các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với người đại diện nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý.
Dù đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến nhưng Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án 2 nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp ở địa phương, vừa không làm tăng chi phí cho DN.
Doanh nghiệp than tốn kém
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Công Thương cũng ghi nhận ý kiến các DN, đánh giá tác động về đề xuất thành lập chi nhánh tại các địa phương. Các DN cho rằng việc vận hành chi nhánh ở tất cả địa phương nơi DN hoạt động sẽ tạo gánh nặng tài chính rất lớn và bất hợp lý.
Theo phản ánh của các DN, để duy trì người đại diện tại các địa phương như hiện hành, mỗi năm DN tiêu tốn hơn 2 tỉ đồng. Khi thành lập chi nhánh, số lượng nhân sự tăng nhiều lần; đồng thời DN phải mất thêm chi phí cố định thuê địa điểm, chi phí vận hành...
Bình luận (0)