Đến cuối năm 2016, cả nước còn 34.241 ô tô công, kinh phí để nuôi xe công tiêu tốn khoảng 13.000 tỉ đồng/năm. Nhằm tiết kiệm ngân sách, nhiều nơi đang siết việc quản lý, sử dụng xe công, trong đó có khoán bắt buộc đối với một số chức danh. Hiện Bộ Tài chính đã tiên phong khoán ô tô công; Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội cũng đang thí điểm. Riêng TP HCM sẽ giao xe công ở một số đơn vị cho Công ty Dịch vụ Công ích TNXP quản lý và cho thuê lại.
Bán xe doanh nghiệp tặng
Tỉnh Đắk Nông vốn được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk. Do yếu tố lịch sử, nhiều cán bộ đều có nhà tại Đắk Lắk nên sau khi tách tỉnh, chiều tối thứ sáu hằng tuần, cả trăm chiếc xe công nối đuôi nhau đưa cán bộ từ Đắk Nông về Đắk Lắk.
Theo một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông, tình trạng này không còn. Hiện chỉ còn một số ít sở, ngành có nhiều cán bộ, nhân viên ở Đắk Lắk nên thỉnh thoảng vẫn mượn xe công đưa đón nhằm giảm gánh nặng kinh tế. Các đơn vị này phải góp tiền đổ xăng và nghiêm cấm việc sử dụng xe những ngày cuối tuần sau thời gian đưa đón. Sắp tới, tỉnh sẽ cấm tuyệt đối việc sử dụng xe công đưa đón cán bộ sau thời gian công tác. "Hiện nay, lãnh đạo khi đi công tác cũng đi xe chung chứ không đi xe chức danh nhằm giảm bớt chi phí" - vị này nói.
Mới đây, UBND tỉnh này đã ra quyết định thu hồi ô tô BKS 48A-002.58 do Văn phòng Tỉnh ủy quản lý, nhãn hiệu Toyota Land Cruiser Prado VX, giá mua mới 2,8 tỉ đồng và xe 48A- 002.50 do Văn phòng UBND tỉnh quản lý, nhãn hiệu Toyota Land Cruiser VX, sản xuất năm 2016, giá 3,72 tỉ đồng. Hai xe được giao về Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh thực hiện bán đấu giá.
Theo ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, 2 xe này do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tặng tỉnh vào cuối năm 2016. Cả 2 ô tô đều đã đăng ký xe chuyên dùng và xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước theo quy định.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương không được nhận xe của doanh nghiệp tặng, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất giữ lại 2 xe để phục vụ công tác của địa phương. Đến nay, thấy lượng xe công vượt quá định biên cho phép, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định bán đấu giá sung vào công quỹ để làm việc khác.
Chấm dứt lấy xe công làm xe riêng
Tại Quảng Bình, ngày 23-12-2017, dư luận râm ran về đám cưới của một con trai lãnh đạo nằm trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, được tổ chức hoành tráng tại TP Đồng Hới. Hàng trăm xe hơi tới dự, trong đó có nhiều xe công biển số xanh. Việc xe biển xanh có mặt ở các đám cưới, đám giỗ hay lễ hội đã bị dư luận phê phán nhiều năm qua nay lại tái diễn ở Quảng Bình - một tỉnh nghèo của khúc ruột miền Trung.
Sau khi báo chí phản ánh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang ký ban hành công văn về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý ô tô công vụ trên địa bàn. Còn theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc khoán xe công đáng ra phải được triển khai sớm hơn bởi khi có chủ trương này, nhà nước không cần phải thành lập đội xe mà thị trường sẽ tự điều tiết.
"Các nước làm từ rất lâu rồi, chúng ta nên làm ngay mà không bàn cãi nữa. Thực hiện khoán, ông nào đi công tác nhiều thì thuê lái xe, đi ít thì tự lái, có tiền là có dịch vụ. Đến lúc đó sẽ hình thành những công ty dịch vụ cho thuê xe và cả tài xế. Công ty nào tốt thì mình lựa chọn để thuê. Cơ chế thị trường là vậy" - ông Hoài nhận định.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu ví dụ ở Bệnh viện Cu Ba - Đồng Hới (Quảng Bình), xe cứu thương của tỉnh đã bỏ từ hơn 10 năm qua. Các công ty tư nhân tự sắm xe cứu thương để hoạt động, họ phục vụ tốt hơn vì gắn với hiệu quả, lợi ích của doanh nghiệp.
"Một số công ty, tập đoàn lớn ở Quảng Bình hoạt động rất hiệu quả nhưng công ty của họ không hề có xe để đi lại. Từ chủ tịch tập đoàn trở xuống đều dùng xe thuê cả. Họ hợp đồng với một công ty khác, không cần phải tốn tiền mua xe hay nuôi tài xế" - ông Hoài chia sẻ.
Dàn xe công ở tỉnh Quảng Bình đi đám cưới con một quan chức vào tháng 12-2017 Ảnh: MINH TUẤN
Gom xe công về một mối
Tại Đắk Lắk, ông Từ Thái Giang, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết tỉnh đang rà soát, sắp xếp, điều chỉnh để thực hiện đúng quy định về sử dụng xe công theo chức danh. Sau khi điều chỉnh, nếu còn xe không phù hợp với tiêu chuẩn chức danh thì phải thực hiện việc bán, thanh lý. Tuy nhiên, do phải tổ chức họp giữa các sở, ngành, đơn vị tư vấn xác định giá trị, thực hiện quy trình bán đấu giá công khai nên mất nhiều thời gian.
Tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho biết đã ban hành đề án thí điểm "Tổ chức quản lý ô tô chung của các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh". Trong tổng số ô tô công vụ, hiện có 3 xe đã hư hỏng, không sử dụng được; 18 xe (chiếm 30%) có năm sản xuất từ 15 năm trở lên; 37 xe (chiếm 51,7%) đã chạy trên 200.000 km.
Ông Yên cũng thừa nhận công tác quản lý xe công tại một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chặt chẽ; còn sử dụng xe vào việc riêng hoặc sử dụng không đúng tiêu chuẩn; cá biệt có một số lãnh đạo các sở, ban, ngành, cán bộ công chức tự lái xe của cơ quan, đơn vị,... gây tốn kém, lãng phí, tạo nên dư luận không tốt.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, cho hay, sau Tết nguyên đán, Đà Nẵng sẽ cử cán bộ đi Hà Nội và TP HCM để học hỏi mô hình quản lý tập trung xe công. Sau khi rút kinh nghiệm từ các địa phương trên, Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan sẽ lập kế hoạch và trình lãnh đạo TP duyệt phương án tập trung xe công, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2018.
Phương án tập trung xe công về một mối ở Đà Nẵng đã rục rịch từ năm 2015 vì tháng 9-2015, tất cả các sở ngành cùng UBND TP đã tập trung về làm việc tại trụ sở Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều lần Sở Tài chính trình nội dung này lên lãnh đạo nhưng TP Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định chính thức.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 223 ô tô công vụ, trong đó có 218 chiếc sử dụng chung. Ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay theo quy định, địa phương này đang thiếu khoảng 49 ô tô phục vụ công tác chung. Ngoài ra, nhiều xe đang sử dụng hiện đã có tuổi thọ trên 15 năm hoặc chạy trên 250.000 km. Theo ông Mẫn, việc sử dụng xe công tại tỉnh Thừa Thiên - Huế được quản lý chặt, đối với xe dùng chung chỉ phục vụ lãnh đạo đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 15 km trở lên, đi giải quyết việc gấp của cơ quan, làm việc với khách nước ngoài và đi công tác theo đoàn.
Tất yếu phải xã hội hóa dịch vụ công
Cùng với quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, nhà nước đã tiến hành xã hội hóa việc cung ứng một số dịch vụ công. Việc xã hội hóa dịch vụ công ở đây không chỉ đơn thuần là sự chuyển giao các hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức ngoài quốc doanh mà còn có nghĩa là động viên và tổ chức sự tham gia rộng rãi, chủ động và tích cực của nhân dân vào phát triển các dịch vụ này, đa dạng hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ trên cơ sở phát huy tính sáng tạo và khả năng đóng góp của mỗi người. Do đa dạng hóa các thành phần cung ứng dịch vụ công, chất lượng dịch vụ thông qua cạnh tranh sẽ được nâng cao, giá thành sẽ hạ.
Để phục vụ cơ quan hành chính nhà nước - nơi dư luận cho rằng sử dụng ngân sách khá lãng phí, rất cần suy nghĩ một giải pháp căn cơ như thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động hậu cần cho khối hành chính như đề án TP HCM thí điểm.
Kinh phí hoạt động hành chính đưa qua công ty này. Cơ quan có nhu cầu xe cộ ký hợp đồng với công ty, công ty bảo đảm phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ để cho các lãnh đạo từ có tiêu chuẩn xe con đến các cá nhân, tập thể có nhu cầu đi công tác cần dùng xe… Làm như vậy sẽ tiết kiệm nhiều, tránh tình trạng lạm dụng biến xe công thành xe riêng, giảm được biên chế lái xe. Hơn nữa, nếu thực hiện phương thức hợp đồng với công ty dịch vụ đối với các việc như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căng-tin, bếp ăn... thì cũng sẽ giảm được bộ phận quản trị của cơ quan.
Đây là một xu thế xã hội hóa bước đầu đối với các cơ quan hoạt động công vụ. Vấn nạn tham nhũng, lãng phí, hoang phí đang hoành hành ở khu vực công. Nếu không có những giải pháp quyết liệt thì khó lòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm thành công.
Diệp Văn Sơn
Bình luận (0)