Từ sáng sớm 19-5, con đường dẫn vào Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) tấp nập dòng xe đưa đại biểu, người dân về đây tham dự lễ kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023) và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Giữ vững từng tấc đất thiêng liêng
Con đường dẫn vào Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt những ngày này rợp bóng cờ Tổ quốc. Đây cũng chính là công trình "Đường cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Long An thực hiện, khánh thành ngày 26-4.
Nghi thức lễ an vị Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh: Hoàng Triều
Lễ kỷ niệm do Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tổ chức. Đến dự có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu và người dân, cựu chiến binh, thân nhân các anh hùng liệt sĩ từng tham gia chiến đấu tại khu vực Long Khốt đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng liệt sĩ.
Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, nhấn mạnh: "Cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại".
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp (ngồi)- Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lễ an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cạnh khuôn viên Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt
Ông Trần Văn Cường cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chỉ tính từ năm 1972 đến 1975, tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Điển hình là trận đánh diễn ra vào ngày 28-4-1974, các đơn vị đặc công, pháo binh và thiết giáp, Trung đoàn 174 đã đánh chiếm Chi khu Long Khốt. Chiến thắng này đã mở toang tuyến hành lang chiến lược để đưa đại quân ta tiến về đồng bằng, tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ ngày 14-1 đến 27-2-1978, tại Đồn Biên phòng Long Khốt đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) với tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary. Trong 43 ngày đêm kiên cường bám trụ, quân ta đã đánh lui hàng chục đợt tấn công của địch, bảo vệ trọn vẹn Đồn Biên phòng Long Khốt, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 22-12-1979, Đồn Biên phòng Long Khốt được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Ngày hội tri ân
Trong dòng người về dự lễ có ông Nguyễn Quốc Dân (ngụ quận Tân Bình, TP HCM). Ông Dân có mặt tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt từ rất sớm để tưởng nhớ những đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường. Đến lễ kỷ niệm, ông mang theo tấm "sơ đồ yếu khu Long Khốt" do chính ông vẽ bằng tay, ghi lại diễn biến trận đánh ngày 28-4-1974. Nhiều đồng đội của ông Dân cùng về dự lễ không kìm được xúc động khi xem tấm sơ đồ. Ký ức về những ngày tháng anh dũng chiến đấu ùa về.
"Trải qua 2 trận đánh lớn mà mình còn sống là điều may mắn. Đồng đội thì không may nằm xuống. Ân tình còn nặng lắm… Làm gì được cho đồng đội thì tôi sẵn sàng làm, kể cả vật chất lẫn tinh thần" - ông Dân bày tỏ.
Ông Lê Thành Đại, Phó trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 174, cho biết nhằm khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực Đồn Long Khốt, người dân xã Thái Bình Trung đã đề nghị chính quyền và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Long Khốt chọn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm ngày toàn dân Vĩnh Hưng tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
"Cứ đến ngày 19-5, người dân khắp nơi tề tựu về đây để tưởng nhớ Bác Hồ, cúng giỗ, thành tâm khấn nguyện vong linh các anh hùng liệt sĩ phù hộ cho cuộc sống an bình và hạnh phúc. Ngày này đã trở thành ngày hội tri ân truyền thống của chính quyền, bộ đội và nhân dân tỉnh Long An, đặc biệt là huyện Vĩnh Hưng" - ông Lê Thành Đại nói.
Tăng ni, phật tử về tham dự lễ an vị Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh: Hoàng Triều
Trở về chiến trường xưa, ông Đại bày tỏ niềm vui mừng và xúc động khi vùng đất đạn bom năm nào nay thay da đổi thịt từng ngày. "Mong địa phương ra sức gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống tâm linh của Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt.
Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước và đức hy sinh của các thế hệ cha anh, tạo thành động lực phấn đấu xây dựng đơn vị, địa phương ngày càng phát triển bền vững. Mong nơi đây ngày càng trở thành điểm đến, điểm về nguồn của thanh niên, học sinh cả nước" - ông Đại bày tỏ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau lễ an vị Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh: Hoàng Triều
Nhân dịp này, chính quyền địa phương cũng tổ chức lễ an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cạnh khuôn viên Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt. Tôn tượng cao 11,5 m, nặng 29 tấn, được làm bằng đá trắng.
Các hoạt động tri ân vùng đất anh hùng cũng đã được diễn ra. Các tổ chức, cá nhân đã trao tặng nhiều phần quà cùng 2 căn nhà tình nghĩa cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Vĩnh Hưng.
Vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng
Long Khốt là tên con rạch từ Campuchia chảy qua khu đất có diện tích gần 5 ha thuộc ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Đây là vùng đất biên giới giáp ranh giữa huyện Vĩnh Hưng với huyện Kompong Ro, tỉnh Svayrieng - Campuchia; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 1958 đến 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng nhiều dinh điền dọc biên giới nhằm ngăn chặn hành lang chiến lược và phá hoại vùng căn cứ cách mạng Đồng Tháp Mười. Chi khu Long Khốt được xây dựng kiên cố và địch coi đây là "Pháo đài chống Cộng vùng biên giới", là chốt điểm trọng yếu bảo vệ thị trấn Mộc Hóa và khu vực Gò Măng Đa. Trấn giữ Chi khu Long Khốt là Tiểu đoàn 502 biệt động quân quân đội Sài Gòn với sự chi viện pháo binh của Chi khu Măng Đa, tiểu khu Mộc Hóa.
Bình luận (0)