Ngày 3-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh rừng thông 30 năm tuổi trên núi Linh Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) bị đốn hạ tan hoang, ông đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm nhanh chóng phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa xác minh, làm rõ.
Hình ảnh rừng thông 30 năm tuổi trên núi Linh Trường bị đốn hạ tan hoang
Theo ông Cường, rừng thông trên núi Linh Trường hiện là rừng sản xuất, vì thế theo quy định các hộ dân được phép khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác phải đảm bảo theo phương án đưa ra là băng chặt, băng chừa, phải giữ lại 600 cây thông/ha.
"Ngay sau khi nắm được sự việc, tôi đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm vào cuộc kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình khai thác như thế nào. Nếu các hộ dân khai thác không đảm bảo như phương án đưa ra sẽ xử lý theo quy định, đồng thời phải trồng ngay lại rừng theo phương án khai thác, trồng cây thay thế"- ông Cường thông tin.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh của người dân xã Hoằng Trường, từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đốn hạ tan hoang khiến người dân không khỏi lo lắng, bất bình.
Núi Linh Trường là dãy núi quan trọng không chỉ về an ninh quốc phòng mà còn về chức năng phòng hộ khi nơi đây vừa giáp sông, vừa giáp với biển, dân cư sinh sống đông đúc dưới chân núi
Người dân địa phương cho biết toàn bộ rừng thông trên núi Linh Trường (thuộc 2 xã Hoằng Yến và Hoằng Trường) có diện tích khoảng 400 ha, trước đây là rừng phòng hộ được trồng từ những năm 1989-1990 theo dự án 661 và 327. Tuy nhiên, từ năm 2017 không hiểu sao toàn bộ diện tích rừng phòng hộ này lại được chuyển sang rừng sản xuất. Kể từ đó, rừng thông trên núi Linh Trường bắt đầu bị khai thác gỗ, chuyển đổi mục đích khiến diện tích ngày một giảm đi.
Liên quan tới vụ việc này, theo hồ sơ UBND xã Hoằng Trường cung cấp, đầu năm 2022 có 4 hộ dân xã Hoằng Trường gửi đơn tới các cơ quan chức năng xin khai thác rừng thông (kèm theo đơn là phương án khai thác và trồng lại rừng) với tổng diện tích 68,4 ha. Ông Lê Đức Thuận, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, sau đó đã ký văn bản đồng ý cho 4 hộ trên được khai thác gỗ rừng thông đã trồng theo như đơn đề nghị.
Trong văn bản, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định khu vực rừng mà người dân đề nghị khai thác có nguồn gốc được trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (dự án 661 và 327). Theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2017, diện tích rừng của các hộ dân là rừng sản xuất, việc các hộ gia đình xây dựng phương án khai thác theo băng là phù hợp với thực tế, tạo các đường băng cản lửa phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng, vừa phát huy vai trò, chức năng phòng hộ của rừng ven biển trong việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Một cây thông có đường kính lớn bị đốn hạ còn trơ gốc
Từ đó, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các chủ rừng khai thác theo băng chặt, băng chừa (chiều rộng 20 m), phải đảm bảo mật độ cây thông còn lại ít nhất 600 cây/ha; yêu cầu chủ hộ không được tác động, làm biến dạng địa hình khu vực khai thác. Đồng thời, phải trồng ngay rừng trên các băng sau khi khai thác.
Chỉ đạo là thế, nhưng theo ghi nhận thực tế, hàng chục ha rừng thông được khai thác gần như trơ trọi, các đường băng giữ lại nhiều nơi chẳng còn một cây thông nào, nếu có thì lưa thưa theo từng chòm nhỏ, không đảm bảo phải giữ lại 600 cây/ha.
Ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, thừa nhận nhìn bằng mắt thường thì tỉ lệ rừng thông giữ lại không đảm bảo theo phương án mà Sở NN-PTNT đã hướng dẫn, nhưng việc kiểm tra đo đếm thuộc trách nhiệm của kiểm lâm.
Theo phương án của Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải khai thác theo băng chặt, băng chừa (20 m/băng), đảm bảo tối thiểu giữ lại 600 cây/ha. Tuy nhiên, qua hình ảnh cho thấy việc khai thác không đảm bảo, rừng thông gần như bị đốn hạ trọc lóc
Cả ngàn ha rừng phòng hộ chuyển thành rừng sản xuất
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước năm 2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.564 ha rừng phòng hộ chắn gió, cát bay (trong đó có hơn 1.150 ha diện tích đất có rừng) và gần 1.882 ha đất phòng hộ chắn sóng lấn biển (được thể hiện rõ tại Quyết định 2755 ngày 12-9-2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) giai đoạn từ năm 2006-2015).
Tuy nhiên, đến ngày 29-8-2017, tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 3230 phê duyệt lại 3 loại rừng (giai đoạn 2016-2025), thì gần như toàn bộ diện tích hơn 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển (1.544 ha rừng chắn gió, cát; 488 ha rừng chắn sóng) được khoanh nuôi, bảo vệ giai đoạn trên đều chuyển thành rừng sản xuất.
Trong đó, gần 400 ha rừng phòng hộ trên núi Linh Trường (chủ yếu là rừng thông) cũng trở thành rừng sản xuất. Đây chính là nguyên nhân khiến rừng thông trên núi Linh Trường đang bị chuyển đổi, khai thác "ồ ạt" trong những năm gần đây.
Bình luận (0)