Sáng 24-3, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" do Báo Người Lao Động tổ chức đã diễn ra tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với sự tham gia của hơn 1.500 học sinh 3 trường THPT: Nguyễn Hiền, Sào Nam và Lê Hồng Phong. Chương trình được Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Công ty CP Cáp treo Bà Nà tài trợ; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam truyền hình trực tiếp.
Coi chừng điểm liệt
Tại phần tư vấn chung về thông tin cơ bản kỳ tuyển sinh 2018, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cho biết thí sinh được quyền lựa chọn một trong 2 bài thi hoặc cả 2: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Tuy nhiên, nếu chọn cả 2 bài, thí sinh cần tham dự đầy đủ để tránh điểm thi thành phần rơi vào điểm liệt, không được xét tốt nghiệp THPT quốc gia.
Theo TS Mai, năm 2017, học trò Quảng Nam có nhu cầu vào ĐH rất cao. Tỉnh có tới 81% thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, trong khi con số này cả nước chỉ 74%.
Học sinh Trường THPT Sào Nam đặt câu hỏi cho ban tư vấn Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Chỉ còn một tuần nữa, thí sinh sẽ bước vào thời gian đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, rất nhiều em vẫn tỏ ra hoang mang về việc chọn ngành nghề qua câu hỏi gửi về chương trình.
Trước lời tâm sự "Đến giờ, em vẫn chưa chốt gì cho tương lai, chưa biết thi ngành gì và đang rất bối rối trước kỳ thi lớn của cuộc đời", TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - cho rằng lo lắng của các em là có cơ sở. Thời điểm này, lẽ ra thí sinh đã phải có sự tính toán, quyết định nhằm chọn được ngành nghề phù hợp năng lực. TS Lý khuyên nếu chỉ mong tìm "chỗ ngồi" bất kỳ trong giảng đường ĐH, sau thời gian, các em thấy không phù hợp, phải thi lại thì vô cùng lãng phí.
"Vô hình trung, các em đã bổ sung vào danh sách sinh viên bị buộc thôi học, lượng kỹ sư, cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường... ngày càng dài", ông Lý nói, đồng thời khuyên các em nên lấy hướng nghiệp làm gốc rồi chọn trường sau và cũng nên cân nhắc chọn các trường gần nhà để tiện "học trường gần, ăn cơm nhà", tiết kiệm chi phí.
Trăn trở thất nghiệp
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" tại tỉnh Quảng Nam có điểm đặc biệt hơn các chương trình khác là kéo dài đến 2 giờ trên sóng truyền hình do học sinh đặt quá nhiều câu hỏi và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam đã dành sóng để truyền hình trực tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về thi cử của học sinh tỉnh nhà. Chưa hết, khi đã cắt sóng, ban tư vấn còn nhận hàng trăm câu hỏi thêm. Nhiều học sinh đã chọn được hướng đi thì hỏi về chất lượng đào tạo các trường, trăn trở thất nghiệp khi ra trường.
Em Thanh Phương, học sinh lớp 12/4 Trường THPT Nguyễn Hiền, thắc mắc: "Rất nhiều bạn muốn biết điều kiện du học ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu gia đình khó khăn, tụi em có thể vừa học vừa làm được không?".
Bà Trần Thị Kim Ly - Trưởng Phòng Tuyển sinh Trung tâm Tư vấn du học Dream Works - cho biết đơn vị này đang liên kết với nhiều ĐH lớn ở Hàn Quốc, mở các chương trình du học nghề thiết thực như: Lắp ráp - sửa chữa ô tô, điều dưỡng, hỗ trợ sân golf. Về học phí, có thành tích học tập tốt sẽ nhận được học bổng từ trường. Ngoài ra, như chương trình điều dưỡng, các em sẽ được trường cho mượn 70% tổng chi phí du học, trả sau khi đi làm. Theo bà Ly, hiện nay, tỉ lệ tốt nghiệp ra trường thất nghiệp cao, đồng thời dân số Hàn Quốc đang già nên cần người chăm sóc, do đó chương trình rất cần thiết.
Cùng chủ đề du học, một học sinh khác cho biết em có học lực khá và muốn theo học tại Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng). "Nghe nói trường có chương trình du học tại chỗ, vậy đó là ngành nào?" - một học sinh hỏi. TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Duy Tân, cho hay cách đây 3 năm, trường khởi động chương trình du học tại chỗ. Sau khi học 4 năm tại Trường ĐH Duy Tân, thí sinh được các trường ở Mỹ cấp bằng. Như vậy, du học tại chỗ nghĩa là thay vì sang Mỹ học thì sinh viên có thể học tại Trường ĐH Duy Tân với mức học phí rẻ hơn rất nhiều. Năm nay, trường dành 20 suất học bổng toàn phần cho các em học giỏi.
Em Nguyễn Tấn Thắng, học sinh lớp 12/10 Trường THPT Sào Nam, băn khoăn: "Em đọc báo thấy nhiều anh chị học sư phạm ra phải đi làm công nhân. Vậy em có nên học ĐH? Học trường nào dễ kiếm việc? Đi du học có phải lựa chọn tốt?".
ThS Hoàng Đức Bình, đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết "học gì ra trường có việc làm tốt?" là câu hỏi ông nhận được trong hầu hết các buổi tư vấn. Theo ThS Bình, vấn đề việc làm sau tốt nghiệp không chỉ phụ thuộc vào môi trường giáo dục mà còn phụ thuộc nhiều vào sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng... trong thời gian học tập. Chọn du học, các em cần cân nhắc do kinh phí rất lớn. Muốn giảm thiểu, nhiều học sinh chọn cách săn học bổng thông qua các chương trình liên kết giữa trường ĐH tại Việt Nam và nước ngoài.
Theo tư vấn của PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ngoài du học tại chỗ, các em có thể tìm hiểu thêm về các trường ĐH ở Đài Loan vốn rất đa dạng, Đức miễn học phí... để có thể thực hiện ước mơ.
Không thể thiếu kỹ năng mềm
Chương trình cũng được khuấy động bằng một câu hỏi khá thú vị về một ngành đến từ 2 học sinh: "Theo tìm hiểu của em, nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng có nhiều thử thách. Điều này có đúng không? Em dự định đăng ký nguyện vọng vào Khoa Báo chí - Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nhưng nghe nói nghề này đầu ra rất "bạc" và khó giàu".
TS Lê Thị Thanh Mai cho biết báo chí là nghề đặc thù, các em đã chọn thì chấp nhận sống với nghề. Do đó, các em phải tìm hiểu rõ những thách thức, áp lực của nghề trước khi đăng ký. Muốn theo đuổi báo chí, các em cần có năng khiếu về văn, sử dụng ngôn ngữ, phân tích vấn đề liên quan đến sự kiện. Vì đây là ngành có điểm chuẩn thuộc top của trường nên phụ thuộc vào năng lực học tập của thí sinh.
Em Quốc Vương, lớp 12A1 Trường THPT Sào Nam, đặt câu hỏi: "Trong thời kỳ hội nhập, xã hội đòi hỏi những sinh viên có cả trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm. Trường nào nổi bật lĩnh vực này?". ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing, thừa nhận trước đây, nhiều trường ĐH chỉ chú tâm đào tạo kiến thức mà bỏ quên đào tạo kỹ năng mềm. Tuy nhiên, hiện nay, với sự cạnh tranh cao, tất cả trường ĐH đều quan tâm đào tạo kỹ năng mềm dưới nhiều hình thức, tùy theo khối ngành, cấp độ học. Nhiều trường đào tạo 4-8 kỹ năng trong chương trình học; một số trường chọn làm môn học chính thức, các trường khác chọn đó là chuẩn đầu ra. Các trường ĐH hiện nay đều có có đội ngũ giảng viên đào tạo về kỹ năng mềm.
"Các bạn hãy yên tâm rằng những năm tới, việc đào tạo kỹ năng mềm sẽ được phát triển và là một trong những điểm nhấn quan trọng của ĐH Việt Nam" - ông Vinh khẳng định.
Cơ hội "vàng" cho thí sinh
Ông Hà Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết Duy Xuyên là vùng đất hiếu học. Nhờ điều kiện của Sở GD-ĐT, chính quyền địa phương và sự phấn đấu không ngừng của thầy lẫn trò, hằng năm, tỉ lệ học sinh lớp 12 trên địa bàn huyện đậu ĐH, CĐ luôn đạt cao.
"Hôm nay, thầy trò vùng đất này có cơ hội "vàng" được tiếp cận trực tiếp thầy cô giáo trong ban tư vấn đến từ các trường ĐH danh tiếng. Đây là dịp quý báu để học sinh lớp 12 và phụ huynh có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin chuẩn xác về cách thức, chỉ tiêu tuyển sinh và điều kiện học tập của các trường ĐH, giúp các em chọn được ngành, trường phù hợp với sở trường, năng lực, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng sau này" - thầy Ngọc bày tỏ.
Tài trợ chính:
Đồng tài trợ:
Bình luận (0)