Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã quyết định giao bổ sung biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2018 và 2019 cho Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh. Theo ông Minh, đến nay đã có 54/63 tỉnh, TP thực hiện việc sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, 437/713 đơn vị cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại hội nghị. Theo đó, 61 địa phương (còn TP HCM và Cần Thơ chưa báo cáo) có 20/713 đơn vị hành chính cấp huyện, 623/713 xã thuộc diện phải sắp xếp lại. Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, cho biết có 42/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc diện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Ông Hùng đề nghị 14 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ sớm thực hiện để bộ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hạn cuối ngày 31-8.
Lý giải về việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính chậm so với tiến độ chung, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết địa phương còn một số vướng mắc do đặc thù về diện tích và dân số đông, nếu căn cứ vào 2 tiêu chí này sẽ khó thực hiện. Theo ông Lắm, TP sẽ trình và báo cáo với Bộ Nội vụ 2 phương án. Phương án thứ nhất, sắp xếp theo đúng quy định là nhập 3 phường lại với nhau nhưng cũng không bảo đảm được về diện tích; phương án thứ hai, theo yếu tố đặc thù, nhập 2 phường.
Nhận thấy quá trình sáp nhập đơn vị hành chính còn không ít khó khăn, Bộ Nội vụ cũng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác tư tưởng, chủ động lên phương án sớm trong việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp các đơn vị hành chính. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng cán bộ, công chức viên chức.
Bình luận (0)