Mực nước đầu nguồn sông Mê Kông đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Thiếu nước, khô hạn không chỉ diễn ra ở Lào, Thái Lan, Campuchia mà đang tác động xuyên biên giới xuống hạ lưu. ĐBSCL, cửa ngõ ra biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông - biển. Sự biến mất mùa nước nổi năm nay chắc chắn sẽ dẫn đến hạn, mặn khốc liệt vào mùa khô năm sau. Di chứng hạn mặn năm 2016 chưa lành, nguy cơ thêm vết thương mới càng làm khó người miền Tây.
Chủ động thích ứng hạn, mặn khốc liệt năm sau, có thể cảnh báo sớm để giảm thiểu tác hại bằng việc chọn giống, điều chỉnh lịch thời vụ, trữ nước. Nhưng những tác động tiêu cực về mặt xã hội, làm mất sinh kế của người dân, gia tăng di dân tự phát, biến khu vực nông thôn chỉ còn người già và trẻ em, kéo theo nhiều hệ lụy khác thì không thể ứng phó ngắn hạn. Nó đang cần một chiến lược tổng thể, dài hạn, giải quyết các vấn đề nội tại của đồng bằng, đồng thời đấu tranh ứng phó trước những vấn đề nước xuyên biên giới.
Thiên tai, biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực khác đang kích hoạt một cuộc khủng hoảng di cư. Một bộ phận không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ tuổi, bỏ ruộng đồng di cư lên thành thị mưu sinh. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL có tỉ lệ xuất cư cao, tỉ lệ di cư gấp đôi bình quân cả nước. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn là nguyên nhân "đẩy" lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống. Trong bối cảnh đó, tác động của thiên tai, hạn mặn như bồi thêm "cú đấm hội đồng" lên "thân thể" các gia đình nông dân miền Tây.
Di cư tự phát cũng làm nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường... Di cư tự phát, di chứng của hạn, mặn ở miền Tây là một chỉ dấu để rà soát lại kết quả triển khai các chính sách lớn về tam nông, về xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để hoạch định, thực thi chính sách và hệ thống giải pháp thích hợp cho vùng này. Không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ ứng phó với thiên tai, hạn mặn mà phải xem xét, giải quyết về mặt xã hội.
Để tránh tình trạng "sông cạn, đất khát, người khó" đe dọa người miền Tây, cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, tích hợp vùng, tiểu vùng. Lồng ghép hiệu quả hơn nữa giữa phát triển nông thôn với đô thị. Cần có chương trình đầu tư ưu tiên cho cơ sở hạ tầng nông thôn miền Tây phục vụ song song 2 mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội; đáp ứng nhu cầu về cải thiện sinh kế nông dân nhằm giảm nghèo bền vững; nâng cao vị thế nông dân và tạo cơ hội cho họ tham gia vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.
Giải được bài toán căn cơ mới mong phòng ngừa các di chứng do hạn, mặn để lại và nâng cao sức chống chịu của thiên tai, biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khốc liệt hơn.
Bình luận (0)