Ngày 16-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TP HCM. Đây là buổi làm việc thứ 4 của Tiểu ban do Thủ tướng chủ trì với các địa phương nhằm khảo sát thực tế, phục vụ việc xây dựng các văn kiện kinh tế - xã hội chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm.
Liên kết vùng còn hạn chế
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như: biến đổi khí hậu (BĐKH), hạ tầng không đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết vùng còn hạn chế, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã ra đời hơn một năm nay nhưng một số địa phương vẫn còn rất lúng túng, không biết phải đầu tư thế nào cho bớt diện tích lúa - một nguyên liệu thô mà suốt 40 năm nay chưa làm cho nông dân giàu. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, sau hơn 40 năm phát triển, lực lượng lao động đông nhất là nông dân vẫn còn nghèo; ngay cả trong những năm thời tiết thuận lợi (năm 2017-2018), ngành nông nghiệp bội thu, xuất khẩu tăng rõ rệt, nhất là mặt hàng trái cây nhiệt đới và thủy sản - 2 mặt hàng đang được nông dân sản xuất một cách tự phát, manh mún bởi hàng triệu cá thể nhỏ lẻ, cũng không có kinh phí đầu tư của nhà nước. Chính phủ đã gỡ vấn đề về "an ninh lương thực" để thay bằng một tư duy mới rất phù hợp trong thời kỳ BĐKH: không coi nước mặn là một trở ngại nữa mà nên biến nó thành cơ hội, bớt diện tích lúa để dành đất và tiết kiệm nước ngọt trồng những cây ăn trái có giá trị cao hơn. Mục tiêu cuối cùng đạt tới là thật sự làm tăng lợi tức của nông dân bằng sản xuất có giá trị cao hơn thay vì chỉ sản xuất lúa quá nhiều.
Đề cập về liên kết vùng, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, từng cho rằng câu chuyện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ đã đặt ra ngay từ khi tỉnh này triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhu cầu liên kết đều xuất phát từ cả 2 phía nông dân và doanh nghiệp (DN). Nông dân có nhu cầu được DN dẫn dắt thị trường và tiêu thụ ổn định. DN có nhu cầu chủ động vùng nguyên liệu để cung cấp cho đối tác. Vậy, vì sao mối liên kết này lại thiếu bền vững? Điều gì cản trở mối liên kết này? Có phải do cách nghĩ ngắn hạn, cách làm thiếu đồng bộ? Hay do chưa đủ niềm tin và lòng tin từ cả hai bên?
Theo ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, TP này đã phối hợp với các tỉnh trong vùng triển khai thực hiện các mô hình liên kết như: Liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Trong 10 năm qua, TP Cần Thơ đã ký 11 văn bản thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành, viện, trường, trong đó có 6 văn bản hết hiệu lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay với lãnh đạo các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Ảnh: QUANG HIẾU
Điểm nghẽn là hạ tầng giao thông
Nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng điểm nghẽn lớn nhất trong vùng là hạ tầng giao thông, vì vậy cần nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng giao thông trong vùng. Ông Trần Quốc Trung kiến nghị: "Trung ương sớm triển khai thi công tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2021 theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ". Ngoài ra, ông Trung cho rằng cần tăng cường triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng biển Cần Thơ nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư trong và ngoài nước…
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiến nghị trung ương sớm phê duyệt quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề nhằm kết nối các cảng của vùng ĐBSCL. Đây được xem là "cánh cửa ra thế giới" cho khu vực ĐBSCL, là cảng đầu mối lớn nhất cho nhiều tỉnh, thành phố của vùng, trong đó có vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất nước. Lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ sớm có chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối từ cảng Trần Đề. Về vấn đề này, tỉnh Tiền Giang khẳng định sẽ tập trung cao nhất thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ, chất lượng của đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến đường quan trọng đối với sự phát triển của vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã đến lúc cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai phối hợp các địa phương, bộ - ngành, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến giữa năm 2020 trình thông qua. "Quy hoạch khu vực này gắn với TP HCM và Cần Thơ. Quy hoạch phải nói đến giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng phải được đặt ra. Đây là quy hoạch quan trọng, chiến lược quan trọng phải làm trong nhiệm kỳ này, cụ thể là trong cuối năm 2020 phải xong" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Trong đó, ngân sách trung ương cần bổ sung khoảng trên 45.000 tỉ đồng so với giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách nhà nước, ODA và dành riêng cho các chương trình, dự án hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó BĐKH, bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống cho người dân, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Đồng thời, phải làm tốt xã hội hóa nguồn lực như một số địa phương khác đã làm.
ĐBSCL và TP HCM cần liên kết toàn diện
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045; hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá một số lĩnh vực. Một động lực mới cần đặt ra đối với các tỉnh, thành ĐBSCL là đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển vươn lên, không thua kém bất cứ vùng nào của cả nước. TP HCM là đối tác phát triển của ĐBSCL nên cần có sự kết nối toàn diện giữa TP HCM và ĐBSCL.
Bình luận (0)