Dù kế hoạch di dời cơ sở ô nhiễm được TP HCM thực hiện từ năm 2002 nhưng qua 17 năm, kết quả vẫn rất khiêm tốn. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy toàn TP còn khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó trừ một số nằm trong khu công nghiệp (KCN) hoặc xa khu dân cư, số còn lại hầu hết nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Trầy trật tìm địa điểm
Hai năm nay, liên tục bị địa phương yêu cầu dời đi nơi khác hoạt động nhưng Công ty Hóa chất H.M (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) vẫn cứ… tại vị. Lý do được ông M., đại diện Công ty Hóa chất H.M, đưa ra là đi nơi khác sẽ không có vốn tái đầu tư. "Khổ lắm, chúng tôi biết sản xuất hóa chất rất khó nằm trong khu dân cư vì người dân khiếu nại, chính quyền yêu cầu di dời nhưng chúng tôi không có vốn tái đầu tư, nếu phải đi nơi khác mua đất, thuê đất, xây nhà xưởng chỉ còn cách giải thể. Nếu nhà nước hỗ trợ về vốn hay đất đai thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn" - ông M. than thở. Hiện Công ty Hóa chất H.M vẫn hoạt động và chỉ tạm đóng cửa khi có đoàn kiểm tra đến.
Do khó chen vào các KCN, cụm công nghiệp (CCN) nên ông Nguyễn Minh Khang buộc phải di dời cơ sở sản xuất bao bì từ quận Tân Bình ra quận Bình Tân. Thế nhưng, hoạt động được vài năm thì quận Bình Tân cư dân đông thêm, cơ sở của ông lại thuộc diện bị dân phản ánh liên tục. "Không còn cách nào khác, tôi chọn giải pháp tạm thời là vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị để hạn chế khói và tiếng ồn. Hiện người dân xung quanh bớt phàn nàn nên cơ sở của tôi cũng bớt nỗi lo bị… trục xuất" - ông Khang chia sẻ. Nói về lý do không vào được các KCN, CCN, ông Khang cho hay cơ sở của ông có quy mô nhỏ. Nếu di dời về KCN Lê Minh Xuân thì không đủ tiền trả mặt bằng, còn thuê mặt bằng nhỏ thì không được nên ông phải duy trì sản xuất bằng cách làm trên. "Đề nghị các cơ quan chức năng xem lại điều kiện về thuê mặt bằng để các cơ sở nhỏ được vào các KCN và CCN" - ông Khang kiến nghị.
Chia sẻ câu chuyện di dời "điểm nóng" 42 cơ sở ô nhiễm tại khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận này cho biết một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) kéo dài thời hạn di dời là khó tìm nơi đến. Muốn di dời 42 cơ sở trên, quận 12 phải mất hơn 4 năm vừa vận động vừa hỗ trợ DN tìm nơi thích hợp để di dời. Đích thân cán bộ phòng TN-MT và đoàn khảo sát phải mất 2 năm với hơn 10 lần đi và về các tỉnh Long An, Tây Ninh đến TP HCM tìm KCN, CCN thích hợp cho các DN.
Thế nhưng, có KCN, CCN yêu cầu DN mới đến phải bảo đảm diện tích hoạt động từ 1 ha trở lên, có KCN và CCN khác lại từ chối không tiếp nhận ngành nghề ô nhiễm nên việc di dời gặp nhiều khó khăn. Mất 2 năm ròng vất vả không có kết quả, cuối cùng, quận 12 xin TP HCM cho thí điểm di dời các cơ sở này vào KCN Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), cho phép DN xây dựng cơ sở theo nhu cầu của DN từ 5.000 đến 10.000 m2. Tuy vậy, đến nay vẫn còn 4 cơ sở chưa di dời do vướng hạ tầng kỹ thuật tại một số khu đất ở KCN Lê Minh Xuân 3 và đang chờ tháo gỡ.
Đại diện Phòng TN-MT quận 9 cũng cho rằng nhu cầu thuê đất, xây nhà xưởng của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn quận rất lớn, tuy nhiên do quy mô sản xuất nhỏ, họ chỉ cần vài ngàn mét vuông để sản xuất nên hầu hết đều không đủ điều kiện khi buộc di dời ra khỏi khu dân cư để vào các KCN hay CCN. Một số DN có khả năng thuê đất với diện tích lớn thì ngành nghề lại không phù hợp.
Một cơ sở nhuộm nằm giữa khu dân cư ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM nhả khói đen mù mịt với mùi hôi nồng nặc. Ảnh: LÊ PHONG
Cơ quan chuyên môn cũng than khó
Từ năm 2017, khi Nghị định 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN được ban hành, TP HCM đã quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho các DN có địa điểm di dời, cải thiện môi trường chung của TP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp từ khu vực nội thành ra ngoại thành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình thành lập các CCN đang gặp không ít khó khăn.
Tính đến ngày 30-6-2019, TP có 28 CCN nhưng chỉ có 3 CCN đưa vào hoạt động ổn định, số còn lại đang gặp khó. Có đến 12 CCN chưa có chủ đầu tư nhưng có DN hoạt động; 9 CCN chưa có chủ đầu tư và chưa có DN hoạt động; 4 CCN có chủ đầu tư nhưng chưa có DN hoạt động.
Chính vì lẽ trên, theo dự thảo quy hoạch, TP HCM sẽ giữ lại 6 CCN với diện tích 331 ha trong đó 2 cụm ở huyện Hóc Môn, 3 cụm ở huyện Bình Chánh và 1 cụm ở huyện Củ Chi. Trong 6 CCN này, hiện có 2 cụm hoạt động ổn định, phủ kín 100% diện tích quy hoạch là Nhị Xuân và Khu Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân; 2 cụm đang đầu tư cơ sở hạ tầng là CCN Láng Le - Bàu Cò và CCN Bàu Trăn, riêng CCN Quy Đức đang làm thủ tục thành lập, CCN Dương Công Khi đang kêu gọi chủ đầu tư.
Trong khi đó, theo Sở Công Thương TP, việc kêu gọi chủ đầu tư vào các CCN đang gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Ngay cả đối với những CCN đã có DN hoạt động hiện hữu với hiện trạng đã được cấp giấy tờ đất nhưng việc lập quy hoạch chi tiết, công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng (bao gồm phần đất của DN hiện hữu và phần đất còn lại) vẫn không thực hiện được, bởi chi phí bồi thường đất CCN xen cài trong khu dân cư giá rất cao. Kế đến, diện tích CCN quy định không quá 75 ha là tương đối nhỏ nên chi phí và giá thành đầu tư vào CCN cao, tính cạnh tranh thấp. Đặc biệt, đến nay TP HCM chưa phê duyệt quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Không chỉ thiếu, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số CCN đã đưa vào hoạt động như Khu Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, hiện đang phát sinh nhiều vấn đề môi trường như không có hệ thống xử lý nước thải mà phải đấu nối chung vào hệ thống xử lý nước thải của KCN Lê Minh Xuân gây nên tình trạng quá tải, không ít lần bị Cảnh sát Môi trường xử phạt do xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra kênh rạch. Việc xả thải chưa qua xử lý là điều khó tránh khỏi bởi trong suốt thời gian đi thực tế tại Khu Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, chúng tôi chứng kiến hệ thống cống thoát nước luôn trong tình trạng quá tải chực trào trên miệng cống.
Chất lượng không khí ngày càng giảm
Chiều 9-10, tại buổi họp báo về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP HCM, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc TN-MT (thuộc Sở TN-MT TP HCM), cho rằng chất lượng không khí giảm so với cùng kỳ năm 2018, với số liệu đo được từ các trạm quan trắc cho thấy nồng độ bụi mịn thường vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm, theo ông Sơn chủ yếu từ 3 loại nguồn thải: Do hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thời gian tới, 5 nhóm giải pháp được đại diện Sở TN-MT đề ra. Đó là, tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông thông qua đề xuất tăng tỉ lệ đất dành cho giao thông, tăng cường vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đầu tư mở rộng các tuyến vành đai, cao tốc, tuyến xuyên tâm; tăng cường kiểm soát nguồn thải đặc biệt các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở TN-MT, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ…
Sở TN-MT TP còn cho hay sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư 18 trạm quan trắc cố định và 1 trạm di động, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc, xây dựng phần mềm chuyên dụng để kịp thời cung cấp thông tin chất lượng không khí đến người dân và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP.
T.Hồng
Kỳ tới: Thêm giải pháp, tăng cường kiểm tra
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10
Bình luận (0)