Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay để "cát tặc" không thể lộng hành thì biện pháp quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai phải mang tính đồng bộ, hiệu quả và việc này đã được 3 tỉnh giáp ranh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước tổ chức nhiều cuộc họp đi đến thống nhất.
Xét kỹ trước khi cho khai thác trở lại
Cụ thể, văn bản kế hoạch đã được họp và thống nhất giữa 3 tỉnh giáp ranh nêu rõ: Các đơn vị được phép khai thác cát sắp tới phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tiêu chí đặt ra như: camera giám sát, phao định vị, nhân lực, bãi đổ tập kết để tránh tình trạng vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia trốn thuế, số lượng tàu phải phù hợp với giấy phép khai thác, mỗi đơn vị được phép khai thác không quá 2 tàu... Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn, người lái tàu tham gia khai thác cát phải có bằng cấp, khai thác đúng sản lượng trong giấy phép khai thác...
Không ít chuyên gia, nhà khoa học cho rằng để cứu sông Đồng Nai thì cần cấm triệt để việc khai thác cát Ảnh: XUÂN HOÀNG
Nói đến việc khi nào bắt đầu cho phép khai thác cát trên sông trở lại, ông Nguyễn Văn Yên khẳng định sau khi đánh giá lại trữ lượng và xác định rõ vị trí khai thác mới được cấp phép. Nếu các doanh nghiệp (DN) mới xin phép khai thác phải bảo đảm đủ các điều kiện nói trên, đồng thời phải đấu thầu, đấu giá công khai, công bằng chứ không có trường hợp chỉ định thầu nhằm tránh phát sinh những tiêu cực... "Đợt này 3 tỉnh giáp ranh sông Đồng Nai làm quyết liệt, không để xảy ra khai thác cát lậu gây sạt lở, ô nhiễm môi trường và những hệ lụy kèm theo khác" - ông Yên nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Lâm Đồng cho biết trước đây có 7 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát thuộc địa bàn 2 huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Việc khai thác đã phải dừng hơn 1 năm nay và chỉ được khai thác lại khi UBND tỉnh có văn bản chấp thuận. Ngoài ra, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cũng cho hay được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai và UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan để thống nhất đánh giá, xác định trữ lượng còn lại, hiện trạng khu vực, cách thức triển khai và kinh phí thực hiện. Từ kết quả này, sở sẽ thống nhất đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, hạn chế thời hạn khai thác, hoặc vẫn tiếp tục thực hiện hoặc không cho phép thực hiện đối với các giấy phép có thời hạn đến hết năm 2019.
Tăng cường tối đa giám sát và xử lý
Để việc giám sát được chặt chẽ, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh tổ chức làm việc với UBND tỉnh Bình Phước nhằm tìm sự thống nhất chung giữa 2 tỉnh trong công tác chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, tăng cường phối hợp quản lý nhà nước về TN-MT, bởi hiện UBND tỉnh Bình Phước đã cấp phép cho 1 DN khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh thị trấn Phước Cát và xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Trở lại với văn bản kế hoạch đã được họp và thống nhất giữa 3 tỉnh giáp ranh. Văn bản có nêu: "Giao cơ quan chức năng trong đó công an địa phương làm nòng cốt nếu phát hiện khai thác cát trái phép được phép truy bắt không phân biệt ranh giới". Giải thích điều này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói trong trường hợp truy xét "cát tặc", công an mỗi tỉnh có quyền lấn sang địa bàn tỉnh khác để thực thi công vụ. Sau khi bắt được các đối tượng vi phạm, lực lượng truy bắt liên hệ, phối hợp với công an trên địa bàn liên quan để xử lý.
Trong khi đó, mới đây, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ do Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, dẫn đầu đã có đợt kiểm tra tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trên sông Đồng Nai. Thiếu tướng Lê Tấn Tảo nhận xét việc chống nạn bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó có việc chưa phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh, thành.
Cần mở rộng phạm vi theo dõi và buộc cam kết
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ Môi trường - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho rằng khai thác cát dù ở mức độ nào cũng gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường và chất lượng nước trên sông Đồng Nai. Trước tiên, sẽ ảnh hưởng đến độ trong của nước, quá trình khai thác sẽ khuấy bùn đáy làm các kim loại nặng tích tụ lâu ngày trồi lên mặt nước ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Vấn đề đặt ra đối với các dự án khai thác cát được cấp phép này là cơ quan cấp phép không chỉ kiểm tra từng chi tiết trong mỗi phương án chủ đầu tư cam kết, mà còn cần phải giám sát chặt trên diện rộng đối với các dự án này, tránh tình trạng "cấp phép một đằng, khai thác một nẻo", bởi thời gian qua, nhiều dự án lợi dụng giấy phép để khai thác quá mức.
"Theo tôi, việc giám sát không chỉ xung quanh khu vực khai thác mà phải chạy dài lưu vực đó bởi mức độ ảnh hưởng của quá trình khai thác trên một phạm vi rộng lớn. Ngoài ra, khi cấp phép phải buộc chủ dự án cam kết bồi thường nếu để xảy ra các sự cố cho môi trường như sạt lở, gây ô nhiễm nước sông, cá chết… Nếu thực hiện nghiêm, bảo đảm các chủ dự án không dám lợi dụng giấy phép để làm bậy" - PGS-TS Phùng Chí Sỹ đề xuất.
Tốt nhất là cấm tiệt!
GS-TSKH Lê Huy Bá - giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - nói thẳng: "Nếu tiếp tục cấp phép cho các dự án khai thác cát tại các tỉnh thượng nguồn sông Đồng Nai thì chẳng khác nào giết chết con sông này". GS-TSKH Lê Huy Bá cho biết quy luật hoạt động của dòng sông là bên lở bên bồi, thế nhưng việc khai thác cát chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy gây hiện tượng bồi lắng không theo trật tự nào, từ đó tạo ra những dòng xoáy bất ổn định hoặc gây nên hiện tượng lở cả 2 bờ sông.
"Cần phải đặt lợi ích chung của xã hội lên trên lợi ích nhỏ lẻ, cục bộ. Trước đây việc dừng khai thác cát khiến dư luận rất đồng tình nhưng nay tại sao cấp phép trở lại? Cấp phép để làm gì, để thu tiền khai thác khoáng sản hay muốn nắn dòng chảy, hay chống xói lở? Dù là bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận" - GS-TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh.
Ngoài đề xuất cấm tiệt khai thác cát, để sông Đồng Nai không biến thành con sông chết, GS-TSKH Lê Huy Bá còn đề nghị các cơ quan chức năng của 11 tỉnh, thành có sông Đồng Nai chảy qua phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải từ các nhà máy, xí nghiệp, KCN theo đúng quy trình, quy phạm, nước sau xử lý phải đạt loại A mới được thải ra sông.
TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nhấn mạnh rằng sông Đồng Nai là một con sông chảy qua nhiều tỉnh, thành nhưng sự hợp tác giữa các tỉnh, thành để phát triển bền vững lưu vực sông Đồng Nai mang tính hình thức. Tất cả chỉ thông qua họp và trao đổi hơn là có được các kế hoạch hành động cụ thể. Vì vậy, đã đến lúc phải cải tổ cách quản lý. Có như vậy mới trị được vấn nạn ô nhiễm và "cát tặc" hoành hành trên sông Đồng Nai.
TP HCM đặt mục tiêu xử lý 95% cơ sở ô nhiễm
UBND TP HCM đang thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TP HCM đến năm 2020.
Theo đó, TP đặt ra mục tiêu hoàn thành xử lý trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm trên địa bàn TP. Để thực hiện mục tiêu này, TP đề ra nhiều nhóm giải pháp như tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; giám sát việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh...
Đại dự án lấn sông trêu ngươi dư luận
Một số cán bộ hưu trí ở phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - nơi dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát hiện đang bỏ hoang cho cỏ mọc, mỗi khi được hỏi về dự án này đều tỏ vẻ bất bình.
Dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát dù tạm ngưng nhưng vẫn đang trêu ngươi dư luận Ảnh: XUÂN HOÀNG
Ông Nguyễn Ái, ngụ phường Quyết Thắng, bức xúc nói đại dự án lấn sông với diện tích đến hơn 7,7 ha này được tỉnh cấp phép. Lúc đầu, được thực hiện với mục đích lấp, lấn sông xây đô thị hiện đại. Thế nhưng, nửa thập kỷ trôi qua kể từ khi bị "tạm ngưng", dự án không hề được kết luận, xử lý và khu vực lấn sông cứ thế trêu ngươi dư luận.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-9
Bình luận (0)