xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống lay lắt giữa "rừng vàng"

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En cho biết phương án cắt một phần đất rừng đặc dụng giao cho dân được triển khai từ năm 2013 nhưng vướng nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa thực hiện được

Vườn Quốc gia Bến En (VQG Bến En) được thành lập vào năm 1992, diện tích trải dài qua địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa. Từ ngày đó, 9 thôn của 3 xã Tân Bình, Xuân Quỳ và Hóa Quỳ (huyện Như Xuân) nằm gọn trong vùng lõi của VQG Bến En.

Luẩn quẩn, không lối thoát

Theo quy định, 517 hộ dân/2.100 nhân khẩu của 9 thôn này phải di dời khỏi rừng đặc dụng. Thế nhưng, do kinh phí quá lớn, tỉnh Thanh Hóa không thực hiện được khiến người dân "đi chẳng được, ở không xong".

Thôn Thanh Bình (xã Tân Bình) được bao bọc tứ bề là rừng xanh và mênh mông sông nước. Thôn có 97 hộ, sống rải rác trên những sườn đồi chạy quanh lòng hồ của VQG Bến En. Tên gọi cũng như quang cảnh nơi đây đẹp như tranh nhưng cuộc sống của người dân không hề an nhàn bởi hàng chục năm qua không được bố trí đất sản xuất, đất ở không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn, không lối thoát.

Sống gần ngót thế kỷ, ông Lương Văn Hiêm (80 tuổi, ngụ thôn Thanh Bình) là người hiểu rõ vùng đất mà ông đã gắn bó từ lúc lọt lòng mẹ đến giờ. Ông cho biết bố mẹ ông tới đây khai hoang từ hàng chục năm trước; dân ở đây có thể trồng ngô, sắn trên các triền đồi, xuống lòng hồ đánh cá, vào rừng kiếm bó củi, hái măng... Nhưng từ khi VQG Bến En được thành lập, tất cả đều bị cấm.

"Giờ vào rừng, xuống hồ đều bị cấm. Dựng cái chòi, phát vườn, đào ao nuôi cá đều không được. Con cái lớn lập gia đình ra ở riêng cũng không được dựng nhà, khổ lắm" - ông Hiêm chia sẻ.

Sống lay lắt giữa rừng vàng - Ảnh 1.

Bà Lô Thị Nguyên (63 tuổi, ngụ thôn Thanh Bình) cho biết ngoài thiếu đất sản xuất, hiện người dân còn mất dần những diện tích đất trồng lúa do VQG Bến En liên tục nâng cao tràn dự trữ nước lòng hồ. "Hiện trong thôn, các hộ chỉ còn khoảng 1-2 sào đất lúa nhưng gieo cấy thì năm được năm mất, vì nước hồ lên xuống thất thường. Thanh niên lớn lên chẳng có việc làm nên bỏ xứ đi làm ăn xa hết. Trước đây, cán bộ VQG Bến En nói sẽ di dời người dân ra khỏi rừng nhưng không được, sau này nói sẽ giao đất tại chỗ nhưng chúng tôi chờ hàng chục năm nay chẳng thấy. Giờ bà con đang mắc kẹt trong rừng, chẳng biết phải sống thế nào, đi cũng chẳng được, ở cũng không xong" - bà Nguyên buồn rầu.

Ghi nhận thực tế tại các thôn Xuân Đàm (xã Hóa Quỳ), thôn Xuân Thành và Tân Thành (xã Xuân Quỳ), cuộc sống của người dân cũng khó khăn, thiếu thốn đủ đường do "đói" đất sản xuất. Thậm chí, trước khi chưa có vườn, nhiều hộ dân trồng keo, luồng xen kẽ trên các đồi, giờ cây lớn muốn thu hoạch cũng không được, hộ nào cố tình sẽ bị phạt.

"Các anh kiểm lâm nói giờ chúng tôi nằm trong VQG Bến En nên mọi diện tích đất đai, cây cối đều là tài sản quốc gia, thậm chí đất đồi trống không có cây rừng cũng không được trồng cây. Sống trong rừng vàng mà khổ thế này thì phải làm sao" - bà Nguyện than thở.

Mong sớm được giao đất

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết xã này có 6 thôn thì 3 thôn nằm trong VQG Bến En là Thanh Bình, Đức Bình và Mai Thắng, với tổng số trên 340 hộ, trong đó có 159 hộ thiếu đất sản xuất.

"Đây là vấn đề nan giải cho địa phương. Năm nào họp HĐND chúng tôi cũng có ý kiến và mong sớm được VQG Bến En cắt đất giao cho dân. Dân thì chúng tôi quản lý nhưng đất thì thuộc VQG Bến En nên khi có hộ vi phạm chúng tôi cũng chẳng biết xử lý thế nào. Thậm chí, tại thôn Thanh Bình có địa thế đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra một hướng làm ăn mới giúp người dân ổn định. Thế nhưng, giờ chẳng làm được gì, vì bước chân ra khỏi nhà là chạm vào đất rừng đặc dụng, muốn đầu tư lớn thì không có sổ đỏ vay vốn ngân hàng" - ông Nguyên nêu thực trạng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En, cho biết phương án cắt một phần diện tích rừng đặc dụng giao cho dân được triển khai từ năm 2013. Thế nhưng, do vướng nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

"VQG Bến En trước đây do Thủ tướng ký quyết định thành lập. Vì thế, muốn cắt đất rừng thì phải được Thủ tướng đồng ý. Tuy nhiên, năm 2016, khi tỉnh Thanh Hóa trình Thủ tướng thì dự án cắt đất VQG Bến En lại không nằm trong danh mục Chính phủ cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với tỉnh Thanh Hóa và đã chỉ đạo lập một đề án riêng. Đến nay, chúng tôi đã làm xong và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói cắt đất rừng đặc dụng là cả một vấn đề nên lại chỉ đạo xin ý kiến các bộ, ngành. Bởi thế, đến nay vẫn chưa trình được cho Thủ tướng" - ông Nghị nói. 

Kinh phí di dời quá lớn

Ông Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Như Xuân, cho biết huyện cũng đã nhiều lần báo cáo tỉnh mong sớm đưa diện tích đất ở 9 thôn của 3 xã trên ra khỏi VQG Bến En, giao cho địa phương quản lý để giúp dân ổn định cuộc sống.

"Trước đây, khi VQG Bến En được thành lập, phương án đưa ra là sẽ di dời toàn bộ dân sinh sống xen kẽ trong rừng ra khu vực mới, giao đất ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, phương án đó sau này không thể thực hiện được do kinh phí di dời quá lớn. Sau đó, VQG Bến En đã lên phương án ổn định tại chỗ cho 9 thôn vùng lõi bằng cách cắt 368,4 ha đất rừng đặc dụng giao cho dân. Nhiều đoàn của các bộ, ngành cũng đã về thẩm tra nhưng tới nay vẫn chưa thấy giao đất cho dân" - ông Mạnh nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo