Chiều 21-7, tàu Cảnh sát biển (CSB) 7011 đã đưa 4 ngư dân Bình Thuận bị chìm tàu cá, trôi dạt 9 ngày đêm trên biển về cảng của Hải đoàn 32 thuộc Vùng CSB 3 đóng ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Đau đớn thả người thân về với biển cả
Bốn ngư dân gồm: Hà Văn Tấn (50 tuổi), Nguyễn Thành Luyến (36 tuổi), Trần Theo (55 tuổi) và Trần Văn Thanh (55 tuổi). Trong đó, ông Thanh sức khỏe suy kiệt không thể tự đi lại, được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ba ngư dân còn lại được bàn giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tàu cá BTh 97478 TS do chủ tàu Bùi Văn Toàn (50 tuổi; trú phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân ra khơi từ ngày 21-6. Ngày 10-7, tàu đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa - DK1 thì mất liên lạc.
Ông Trần Theo cho biết sau gần 1 tháng đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, tàu về bờ. Khoảng 5 giờ ngày 10-7, bất ngờ gặp sóng to, gió giật, nước ngập tàu khiến tàu BTh 97478 TS chìm rất nhanh. Toàn bộ ngư dân dù hết sức cố gắng cứu tàu nhưng không kịp nên tất cả lên 2 thuyền thúng. Trong đó, 1 thuyền thúng 7 người của nhóm ông Theo và 1 thúng 8 người của nhóm thuyền trưởng Bùi Văn Toàn. Các ngư dân không kịp đem theo bất cứ thứ gì và cứ thế lênh đênh trên biển.
Ông Theo kể 2 thuyền thúng này thả trôi nhưng vẫn bám sát nhau. Tuy nhiên, khi phát hiện một tàu có ánh sáng, 2 nhóm cố sức bơi đến và lạc nhau. Trong thời gian lênh đênh trên biển, 3 người trên thuyền thúng của ông Theo kiệt sức. "Họ đói quá, khát nước nên lả dần rồi qua đời. Anh em thấy để lâu quá mà bắt đầu bốc mùi nên đành băng bó, cột thi thể, khấn vái rồi thả về biển cả. Những người còn lại cố gắng cầm cự, uống nước biển, trời mưa thì hứng nước mưa uống. Đến khoảng 13 giờ ngày 19-7, tàu Bình Định BĐ 96935 TS phát hiện và 4 người chúng tôi mới thực sự qua được cửa tử" - ông Theo nghẹn ngào.
Trong khi đó, trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Luyến không thể cầm được nước mắt vì 2 người thân của ông trên thuyền thúng đã chết vì kiệt sức là người chú Nguyễn Thành Lương và anh cả Nguyễn Thành Lãng. Trên chiếc thúng 8 người thì có ông Nguyễn Thành La cũng là anh trai ông Luyến.
"Chú Lương và anh Lãng bị lở loét nặng do ngâm nước, phơi giữa nắng lâu ngày cộng với khát nước và đói nên lần lượt qua đời. Tự tay tôi phải thả 2 người xuống biển. Còn người anh Nguyễn Thành La cũng mất tích. Đau khổ vô cùng..." - ông Luyện bật khóc nức nở.
Bốn ngư dân sống sót được lực lượng Cảnh sát biển chăm sóc y tế tại tàu CSB 7011
Như được sinh ra lần nữa
Ông Hà Văn Tấn cho biết khi lênh đênh giữa biển, ông không còn suy nghĩ được bất cứ điều gì vì đói khát, mệt mỏi. Buổi sáng thì rất nắng nhưng cứ chiều đến lại mưa to, sóng lớn.
Các ngư dân phải dùng hết sức tàn tát nước biển ra khỏi thuyền thúng. Nhiều khi thấy tàu lớn từ xa, cả nhóm ráng sức la hét, ra tín hiệu mong được cứu giúp nhưng bất thành. "Nếu không có tàu Bình Định ứng cứu kịp thì nhóm chúng tôi chết chắc. Chúng tôi mừng như được sinh ra lần nữa. Họ là ân nhân, cứu tinh của chúng tôi" - ông Tấn bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Toàn, thuyền trưởng tàu BĐ 96935 TS, cho biết khoảng 13 giờ 10 phút ngày 19-7, tàu cá của ông đang trên đường trở về bờ thì phát hiện chiếc thuyền thúng trôi lềnh bềnh từ xa. Trên thuyền thúng gắn một que sào dài treo chai nhựa, bao bóng và một số mảnh vải như để làm ký hiệu cầu cứu.
"Sóng gió lúc đó rất lớn, chúng tôi mở hết tốc lực hướng về thuyền thúng. Khi đến nơi, chỉ thấy ông Tấn còn chút sức còn 3 người kia nằm lả đi. Khi đó, chúng tôi ai cũng mất hồn, vội huy động mọi người đưa họ lên tàu. Sau đó, chúng tôi nấu cháo, cho uống sữa mà không dám cho nhiều vì họ nhịn ăn quá lâu. Tôi lo nhất là ông Thanh, ông yếu quá sợ không qua khỏi. Anh em ai cũng cầu khấn cho họ được sống" - thuyền trưởng tàu Bình Định kể. Theo ông Lê Thanh Toàn, sau khi cứu được 4 người, ông điện về đài duyên hải để được trợ giúp và tàu CSB 7011 đã đến ứng cứu.
Đại úy Lê Khánh Hải, thuyền trưởng tàu CSB 7011, cho biết ngay khi được lệnh lên đường cứu nạn các ngư dân tàu cá Bình Thuận bị chìm, các tàu CSB đã nỗ lực tìm kiếm một thời gian. Khi tàu Bình Định đã cứu được một số ngư dân gặp nạn, tàu CSB mở hết tốc độ để tiếp cận nhằm đón và chăm sóc y tế cho họ.
"Vị trí 2 tàu gặp nhau cách đảo Phú Quý khoảng 170 hải lý về phía Đông Nam, sóng gió rất dữ, không thể đưa ngư dân qua được. Được lệnh cấp trên, chúng tôi cử 1 quân y và 1 thuyền phó lên tàu cá Bình Định để chăm sóc cho các ngư dân. Phải hơn 15 giờ, chúng tôi cùng tàu Bình Định mới đến vùng biển tỉnh Khánh Hòa. Khi sóng yên biển lặng hơn thì chúng tôi mới đưa được 4 ngư dân gặp nạn lên tàu CSB để về bờ" - đại úy Hải kể lại.
Nỗ lực tìm kiếm 8 người còn lại
Đến nay, vẫn còn 11 lao động của tàu cá BTh 97478 TS chưa được tìm thấy, trong đó có 8 người trên 1 thuyền thúng và 3 thi thể ngư dân thả trôi trên biển. Hai máy bay trực thăng của Quân chủng Hải quân, tàu CSB cùng các tàu cá vẫn đang nỗ lực tìm kiếm ngư dân của tàu BTh 97478 TS mất tích.
Bình luận (0)