Nhắc đến ông Huỳnh Mỹ Thoại (49 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), giới sưu tập xe cổ chắc hẳn đều nể với bộ sưu tập xe độc, lạ có 1 không hai ở tỉnh này
Xe cổ hiếm thấy
Hiện ông Thoại đang sở hữu trên 40 xe cổ hiếm có từ những năm 1950 đến 1975, số xe này đều sử dụng được. Bên cạnh đó, hàng chục xe khác đang được ông lưu kho chưa phục chế vì còn thiếu linh kiện. Số xe này hiện đang trưng bày ở 2 quán cà phê Xe Cổ ở đường 23/10, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang và ở TP Quy Nhơn (Bình Định).
Trong Festival Biển 2017, trong phần diễu hành xe cổ thì đa số những chiếc xe cổ độc lạ đều của ông Thoại. Các xe của ông cũng được một số đoàn làm phim mượn để đóng trong bối cảnh trước năm 1975 như: phim Mẹ Chồng, phim Mỹ nhân Sài Gòn.
Ông Huỳnh Mỹ Thoại và chiếc Ponton 190 rất hiếm ở Việt Nam và thế giới
Đáng chú ý của bộ sưu tập có chiếc Mercedes – Benz được sản xuất từ năm 1953 mang tên Ponton 190. Chiếc Ponton 190 là dòng xe thương mại nổi tiếng của Đức sau chiến tranh thế giới thứ 2 với động cơ 4 thì, 1,9 lít, công suất 50 mã lực. Mẫu Ponton 190 được xem là "con át chủ bài" của hãng Mercedes để cạnh tranh với dòng xe khác.
Từ 1956 – 1959, hãng này chỉ sản xuất với số lượng trên 61.000 chiếc. Đến nay số lượng xe này còn lại rất ít, được người mê xe cổ trên toàn thế giới rất ưa chuộng. Ngay tại Anh, những người sở hữu Ponton 190 còn lập cả webside: mercedes-190.co.uk nhằm tạo ra diễn đàn cho những người mê loại xe này tham gia trao đổi thông tin, linh kiện phạm vi toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Ponton 190 được nhập nguyên chiếc vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, được cho là dòng xe sang trọng bậc nhất mà không phải ai cũng có được.
Cận cảnh chiếc Ponton 190 vẫn còn hoạt động tốt thường xuyên được các hãng phim mượn đóng
Một chiếc thuộc loại hiếm nữa là Mini Mokes do hãng ô tô Anh BMC sản xuất năm những 1960. Ông Thoại cho biết con này được sản xuất ở Anh từ 1964 đến 1968 với số lượng hạn chế với khoảng 14.518 chiếc. Từ 1966 – 1993, Mokes được sản xuất ở Úc với 26.000 chiếc và 10.000 ở Bồ Đào Nha.
Chiếc Mini Mokes dùng cho phóng viên từ năm 1960
Theo ông Thoại, trong bộ sưu tập của mình có một chiếc nữa là Limousine sản xuất năm 1983, đây là chiếc xe mà Bộ Ngoại giao Việt Nam từng sử dụng. Ông phải rất khó khăn để sở hữu được chiếc xe dòng cao cấp này.
Ngoài ra, ông Thoại còn sưu tập nhiều xe máy, xe đạp từ trước 1975 với các dòng xe Mobylette, Honda, Suzuki… và đều sử dụng được.
Gần 30 năm đam mê
Ông Thoại kể lại, thuở nhỏ, gia đình ông còn khó khăn nên phải đi bộ từ nhà đến trường học rất xa. Sở hữu một phương tiện đi lại là cả một ước mơ lớn. Năm 21 tuổi, sau nhiều năm tích cóp, ông mua được chiếc xe máy Honda 67 cũ.
Với ông chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại mà ông coi nó như bạn thân. "Hồi ấy tôi đi học ngành điện nhưng trong tôi có cái máu nghệ thuật, tôi rất thích những đường nét cong, thanh nhã của các phương tiện được thiết kế từ trước những năm 1975. Tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều về những loại xe máy, xe ô tô cổ và thấy có sức hút lạ kỳ. Từ đó, tôi nảy ra ý định sưu tầm những loại xe cổ"- ông Thoại tâm sự.
Những chiếc xe cổ từ trước năm 1975
Ông Thoại nói về triết lý chơi xe của mình: "Nói đến xe cổ thì phải hội đủ 3 yếu tố, gồm: thương hiệu, niên hạn, yếu tố lịch sử. Đã gọi là phương tiện thì phải "động". Vì thế, đã chơi xe cỗ là xe đó phải hoạt động được. Tôi thường mua nhiều xe về và bỏ nhiều công sức sửa chữa, tân trang, phục chế cho xe "sống lại". Nhiều linh kiện thực lòng rất khó để kiếm được nên số xe lưu kho còn khá nhiều".
Để có bộ sưu tập xe như hiện nay, ông Thoại đã bỏ nhiều tiền của và công sức "săn lùng". Thông qua những người bạn, ông đã vào Nam ra Bắc nhiều lần tìm kiếm. Kể về chiếc xe Mercedes Ponton 190, ông Thoại cho biết năm 2011, trong một lần vào TP HCM chơi, đang dạo trên đường Đinh Bộ Lĩnh thì ông bỗng thấy chiếc xe trên đậu trong sân một căn nhà nhỏ. Ông ghé vào, ngắm nghía chiếc xe rồi đánh bạo hỏi mua lại, nhưng chủ nhân chiếc xe không bán. Tiếc nuối, ông xin số điện thoại, rồi về nhà nhiều lần gọi điện thuyết phục. Cuối cùng, người chủ vì "cảm phục" lòng yêu mến xe cổ của ông Thoại nên đã bán lại chiếc xe trên với giá 21.000 USD. Ông cho rằng: "Tiền bạc là một chuyện, nhưng chơi đồ cổ cũng cần cái duyên nữa".
Bộ sưu tập xe cổ của ông Thoại thuộc loại bậc nhất tỉnh Khánh Hòa
Để sưu tầm thêm được 1 chiếc xe, đòi hỏi người chơi phải có tâm và chịu khó. Như chiếc xe lôi quý tộc của Thái Lan. Trong một lần qua Thái Lan bằng ô tô nhóm, ông Thoại rất thích chiếc xe lôi này nên đã hỏi mua nhưng chủ nhân xe lôi không bán. Đeo bám và năn nỉ cả chặng đường dài, ông Thoại mới thuyết phục được. Mừng như phát hiện kho báu, nhưng khi đưa về Việt Nam thật không dễ. Ông phải tháo từng bộ phận xe lôi, bỏ lên ô tô, đưa về nhà ráp lại.
Đặc biệt có chiếc Yamaha YB (sản xuất 1980), khi đang làm sự kiện ở Sơn La thì nghe tiếng bô. Ông quay lại thấy chiếc này đang đi chở củi nên đánh bạo xin mua, nhưng người chủ không bán. "Tôi phải đi về từ Sơn La – Hà Nội làm sự kiện 5 lần, lần nào cũng ghé hỏi mua xe nhưng không được. Lần cuối cùng tôi ghé gặp vợ chồng người chủ xe để chào tạm biệt. Lần này tôi nản chí nên không đả động đến chuyện xe cộ nữa mà cốt để uống một trận cho đã rồi về. Vậy mà khi tiễn biệt, người chủ lại đem xe tặng cho tôi chứ không bán. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ nguyên giấy tờ xe của người chủ"- ông Thoại kể.
Chiếc Yamaha YB đời 1980 ông Thoại hỏi mua 5 lần không được cuối cùng lại được tặng
Hiện nay, ngoài kinh doanh cà phê, ông Thoại còn tổ chức sự kiện, thiết kế mỹ thuật. Trong quán cà phê xe cổ của mình, ông Thoại thiết kế cho riêng mình một không gian cũ, cổ. Ông Thoại tâm sự: "Những chiếc xe đã "gia nhập" ngôi nhà của tôi thì đều trở thành người bạn vô giá. Cũng rất mừng thì gia đình ủng hộ cho tôi để tôi sống với đam mê của mình".
Bình luận (0)