Sáng 21-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thu chi và phối hợp giữa các đơn vị thuộc ngành tài chính. Tại cuộc họp, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công được đem ra "mổ xẻ" để bàn giải pháp.
Có quận chỉ giải ngân được 4%
Tính đến thời điểm hiện nay, có 13 quận - huyện giải ngân trên 50% và 11 quận - huyện giải ngân dưới 50%. Cá biệt, quận 11 "đội sổ" khi giải ngân chỉ được 4%. Nhận trách nhiệm về việc này, đại diện UBND quận 11 cho biết tổng vốn đầu tư công của quận trong năm 2019 là 101 tỉ đồng, tập trung cho 4 dự án lớn về xây trường học và nhà thiếu nhi. Lý do chậm là do chưa ghi vốn nên chưa thể khởi công. "Do mới nhận vốn đợt 2 hồi tháng 7 nên có sự chậm trong giải ngân. Nếu tháng 9 ghi vốn, khởi công thì tiến độ giải ngân sẽ cao" - đại diện UBND quận 11 cho biết.
Đến nay, TP HCM chỉ mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỉ đồng vốn đầu tư công của năm 2019 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tỉ lệ giải ngân của quận Phú Nhuận cũng chẳng khá hơn khi chỉ mới giải ngân được 13/88 tỉ đồng. Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho biết có 3 công trình lớn chưa giải ngân được đồng nào. Điển hình như công trình trụ sở UBND quận. Có dự án vướng xây lắp, đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng cũng có công trình do chậm thủ tục hành chính, chậm quyết toán… Nhận trách nhiệm về việc này, UBND quận Phú Nhuận cam kết đến cuối năm sẽ giải ngân trên 95%.
Quận Bình Thạnh cũng thuộc nhóm quận - huyện giải ngân thấp khi đến nay chỉ đạt gần 27%. Huyện Cần Giờ đạt hơn 31%, quận 5 khoảng 33%, huyện Nhà Bè hơn 34%, quận 9 khoảng 35%...
Theo các quận - huyện, thường vào tháng 9 và 10 hằng năm, số tiền chi cho giải phóng mặt bằng, đền bù mới được giải ngân, khi đó tiến độ giải ngân sẽ cao; đến cuối năm sẽ đạt trên 90%, 95%.
Tổ chức hội nghị chuyên đề vào tháng 10
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đặt vấn đề: "Cũng là quận - huyện nhưng sao có đơn vị giải ngân được trên 50%, có đơn vị thì thấp. Biết rằng mỗi quận - huyện khác nhau, tính chất các dự án cũng khác nhau nhưng các quận - huyện cũng phải xem lại, nhất là người đứng đầu". Theo ông Tuyến, có 4 đầu việc mà các chủ tịch UBND quận - huyện không được ủy thác cho các phó chủ tịch, trong đó có việc quản lý vốn ngân sách và tài sản công. Do đó, 11 quận - huyện giải ngân dưới 50% phải có báo cáo do chính chủ tịch UBND ký, gửi UBND TP kết quả giải ngân cụ thể từng dự án; giải trình nguyên nhân, khó khăn và đề xuất.
Nói về vướng trong đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng có sự chủ quan của chính quyền địa phương. "Chúng ta cứ nghĩ rằng đầy đủ vốn để bồi thường cho người dân nhưng không tính được thủ tục pháp lý của từng dự án, thậm chí là từng trường hợp cụ thể" - ông Trần Vĩnh Tuyến nói và yêu cầu sắp tới không để tình trạng này xảy ra, chấm dứt việc đổ thừa chuyện bồi thường, từng bộ phận phải đẩy nhanh tiến độ, không đẩy qua đẩy lại.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị, ban quản lý dự án phải tính toán kỹ lưỡng việc quản lý vốn ngân sách, tính toán chặt chẽ từng bước. Lâu nay, chỉ nói được cái ngọn, chưa bàn được cái gốc. Do đó, ông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu UBND TP để tổ chức một chuyên đề vào tháng 10-2019, bàn tận gốc về đăng ký, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán vốn ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)