Chuột ở đây được nuôi dưỡng theo quy trình chặt chẽ, khép kín và gánh vác sứ mệnh rất nặng nề: Làm vật thí nghiệm trong các nghiên cứu y học.
Hôm chúng tôi đến, kỹ sư Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu, đang cần mẫn đi thăm những chuồng nuôi, chăm chút từng chú chuột nhỏ mới sinh. Chuột ở đây được chia làm 2 khu: Dãy dài các ô được bố trí tựa chuồng gà nuôi chuột lang và căn phòng lớn với dãy ô nhựa nuôi chuột nhắt.
Mỗi ô nuôi chuột lang được lót bằng lưới mắt nhỏ, đủ để phân rơi xuống dưới. Phía trên có ngăn đựng đồ ăn, hệ thống nước uống tự động - chỉ cần chuột ngậm vào vòi là có nước. Một ô chuột gồm 8-10 con bố mẹ và đàn con mũm mĩm.
Kỹ sư Lê Thị Thu Hà và những “thiên sứ” chuột lang
Chuột lang rất đẹp, được nhân viên Trại Chăn nuôi Suối Dầu chăm sóc chu đáo như VIP. Chúng có 2 giống, một giống đủ màu (nâu, xám, trắng, vàng…) mắt đen láy và một giống lông trắng muốt, mắt đỏ. Chuột bố mẹ không có đuôi, lông dày mượt, mỗi con nặng khoảng 500-700 g. Còn chuột nhắt thì nhỏ hơn, con trưởng thành nặng khoảng 45-50 g. Chuồng nuôi chuột nhắt đượt lót trấu, trên nắp lồng bố trí nước và thức ăn.
"Thức ăn của các chú chuột là thức ăn tinh do trại sản xuất và lúa mầm để tăng khả năng sinh sản. Riêng chuột lang còn phải bổ sung cỏ" - kỹ sư Hà tiết lộ.
Gắn bó 20 năm với chuột thí nghiệm, kỹ sư Hà cho biết những chú chuột lang ở đây rất đáng yêu, dễ thương. "Chuột lang sống với nhau khá hòa thuận và rất hiền lành. Chúng tôi dễ dàng ôm chúng khi kiểm tra sức khỏe. Còn chuột nhắt thì khó tính hơn, khi bắt phải cầm ở đuôi nếu không muốn bị cắn, nhất là những con đực" - chị Hà kể.
Nhân viên Trại Chăn nuôi Suối Dầu cho biết chuột lang đực rất "khỏe". Một "anh chồng" có thể phục vụ 8-10 "cô vợ" mà vẫn bảo đảm lứa chuột con sinh ra đầy chất lượng. "Trong khi đó, chuột nhắt có phần "yếu" hơn. Một gã chuột nhắt chỉ có thể "lo" được cho 2-3 ả chuột cái" - một nhân viên hóm hỉnh.
Chuột nhắt rất "khó tính" khi mang thai và sinh con. Trong giai đoạn này, chúng cần không gian yên tĩnh. Chuột mẹ phải nhốt riêng với đàn con của mình, nếu nhốt chung thì chúng sẽ cắn con của "bà" khác. Chuột nhắt mang thai khoảng 18-21 ngày, mỗi lứa đẻ trên dưới 10 con. Do được chăm sóc tốt nên có khi chuột nhắt ở Trạm Chăn nuôi Suối Dầu đẻ nhiều kỷ lục, đến 14-15 con/lứa.
Chuột lang thì ngược lại, thời gian mang thai dài hơn - đến 2 tháng nhưng mỗi lứa chỉ đẻ 1-3 con. Chuột lang con mới sinh là mở mắt ngay, 30-45 phút sau đã có thể chạy nhảy. Khác với chuột nhắt, chuột lang mẹ có thể sống chung rất hòa thuận khi có con, chúng có thể cho tất cả chuột con bú mà không phân biệt đó có phải là con của mình hay không.
"Với cán bộ, nhân viên Trại Chăn nuôi Suối Dầu, ngày nào mà không nhìn ngắm những chú chuột thì bứt rứt chịu không nổi. Nhìn đàn chuột con với ánh mắt ngơ ngác, nhiều con nô đùa ríu rít hay cả đàn mẹ cho con bú sữa mà thấy đáng yêu vô cùng. Nghĩ đến sứ mệnh nặng nề của đàn chuột ở đây - thí nghiệm y học, cứu người - chúng tôi lại càng thêm nâng niu, chăm chút chúng" - kỹ sư Hà tâm sự.
Chuột ở đây được nuôi để phục vụ y học nên phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Từ khâu cho ăn đến vệ sinh, phòng bệnh đều được giám sát liên tục và định kỳ nhằm bảo đảm nguồn "chuột sạch", không mang bất cứ mầm bệnh nào.
Bên cạnh đó, chuột thí nghiệm phải đáp ứng 2 yêu cầu về trọng lượng và ngày tuổi. Chuột lang đạt 200-240 g, khoảng 3 tuần tuổi thì mới được lựa chọn đem đi cách ly để theo dõi. Nuôi thêm 2-3 tuần, chuột đạt 280-330 g thì đưa đi kiểm định để giao cho các phòng thí nghiệm. Còn chuột nhắt thì đơn giản hơn, sau khi cai sữa xong - khoảng 3 tuần tuổi, đạt trọng lượng 14-18 g thì có thể đem đi kiểm định.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu, trại đang nuôi khoảng 20.000 chuột nhắt, 2.000 chuột lang giống. Hằng năm, trại cung cấp cho IVAC, các phòng thí nghiệm, trung tâm dược liệu, các trường đại học khoảng 70.000 - 80.000 chuột nhắt và 4.000 - 5.000 chuột lang.
Ông Minh cho biết: "Chuột ở đây có nguồn gốc từ Pháp, Nhật Bản... Thực tế, trại chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cả nước. Do đó, muốn có chuột thí nghiệm, các đơn vị phải đặt hàng trước để có thể giao đúng ngày, đúng độ tuổi và đúng trọng lượng".
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, ví von chuột thí nghiệm như những "thiên sứ". Nếu không có chuột thí nghiệm thì không thể áp dụng các loại dược phẩm lên người. Chuột được kiểm định độc tính (độ an toàn) và kiểm định hiệu lực (đáp ứng miễn dịch). Bất kỳ loại vắc-xin hay dược phẩm nào muốn thử nghiệm độ an toàn đều phải nhờ đến chuột.
Theo TS Thái, chuột được dùng làm thí nghiệm vì dễ nuôi, dễ kiểm soát và sinh sản rất nhanh, đặc biệt là rất mẫn cảm, đáp ứng miễn dịch tốt.
Bình luận (0)