"Cô ơi, hãy lên tiếng cứu người dân khu vực này, họ xả khói đen kịt ngày đêm. Chúng tôi già rồi, có bệnh tật do ô nhiễm cũng không ức nhưng thương cho trẻ nhỏ, nếu cứ sống trong môi trường ô nhiễm thì làm sao chịu thấu" - ông Tám, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM - nói như cầu cứu.
Khói đen bao phủ
Lúc gặp chúng tôi, ông Tám đang cắt cỏ trên cánh đồng bỏ hoang cạnh cụm nhà xưởng sau bờ kênh Trung Ương. Ông Tám cầu cứu cũng đúng thôi, bởi 3 lần đến đây, nhìn theo những cuộn khói đen phả lên trời, theo chiều gió cuốn xa vài cây số, với mùi hôi và bụi mịn khiến chúng tôi nghẹt thở.
Sau bờ kênh Trung Ương, men theo con đường đất, chúng tôi tìm đến 4 cơ sở nằm liên tiếp nhau thuộc ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Quan sát cho thấy, cả 4 cơ sở đều hoạt động giặt, sấy quần áo. Theo lời người dân, các cơ sở này bắt đầu hoạt động từ những năm 2014 - 2015, hình thành trên khu đất trồng lúa từ những năm 2012, ban đầu chủ đất chỉ xây móng, làm hàng rào tôn rồi vài năm sau dần hình thành các nhà xưởng.
Cụm cơ sở giặt, ủi xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đang nhả khói đen mù mịt. Ảnh: THU HỒNG
Để tránh sự dòm ngó của người dân, đa số các cơ sở đều không để bảng tên và địa chỉ. Bên trong, lò hơi được đốt bằng củi và vải vụn nên mỗi lần lò hoạt động, không chỉ phát sinh khí độc mà bụi than, bụi vải tỏa ra mù mịt cả khu vực. Những người lạc vào khu vực này như chúng tôi thực sự không tin vào mắt mình vì khói bụi bao phủ như sương mù từ sáng đến chiều. Thấy người lạ rảo quanh, những người làm công lấm lem bụi than và màu thuốc nhuộm nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngại, kém thân thiện.
Tránh những ánh mắt khó chịu ấy, chúng tôi chạy về phía khu dân cư (thuộc ấp 4) với hơn 20 hộ dân cách đó vài trăm mét. Vừa nghe hỏi thăm, như được trút những u uất trong lòng, bà Trần Thoại Tuấn nói như mếu: "Mấy đứa con tôi chịu không nổi đã dọn đi nơi khác bỏ lại 2 vợ chồng già và 2 mẹ con đứa con gái". Tôi hỏi sao bà không đi thuê nhà chỗ khác ở tạm? Bà lắc đầu nói: "Biết là ô nhiễm, là bệnh tật nhưng cuộc sống khó khăn, chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
Tro chất thành... núi
Rời kênh Trung Ương với tiếng kêu cứu từ nhiều người, chúng tôi lại tiếp tục nhận được tiếng thở than từ những người dân bên kia bờ kênh Tham Lương. Chỉ tay về phía những cột khói đen đang bốc lên ngùn ngụt, bà Trần Mỹ Hoa (sống trong KCN Tân Bình, quận Tân Phú, TP HCM) bức xúc nói: Mấy cơ sở giặt, ủi bên kia bờ xả khói khủng khiếp, theo hướng gió tản về phía khu dân cư khiến chúng tôi thường xuyên hít khí độc cả ngày lẫn đêm. Không chỉ người dân bên KCN Tân Bình, nhiều hộ dân thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM cũng chịu tình cảnh tương tự cả chục năm nay.
Bên ngoài công ty giặt ủi vây tôn, phủ kín bạt nhưng bên trong vẫn hoạt động rầm rộ tại phường Tân Thới Nhất, quận 12. Ảnh: THU HỒNG
Để tìm đến các cơ sở gây ô nhiễm bên bờ kênh Tham Lương, chúng tôi phải men theo con đường đầy cát bụi, ổ gà giữa những ngày nắng như đổ lửa. Đó là 3 cơ sở giặt sấy nằm giáp khu tái định cư 38 ha, "treo" nhiều năm nay, thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12. Ngoại trừ 1 cơ sở có tên và địa chỉ là chi nhánh công ty T.Đ.T, còn lại 2 cơ sở cửa đóng then cài, bên ngoài được ngụy trang bằng những tấm bạt cũ kỹ phủ lên nhưng bên trong máy móc đang hoạt động ầm ầm, từng cột khói đen vẫn phả lên bầu trời. Điểm chung của các cơ sở này là nhà xưởng nhếch nhác, tạm bợ, được vây lại bằng nhiều tấm tôn đã gỉ sét. Không chỉ xả khói gây ô nhiễm, chúng tôi ngỡ ngàng vì bãi đổ tro khổng lồ ở bãi đất trống cạnh các cơ sở này. Một nhân công làm gần đấy cho biết đó là tro đốt lò được mang ra đổ, lúc đầu bãi tro ít nhưng mỗi ngày một to, khi gió lớn thổi qua, bụi tro bốc lên mù mịt, hít phải rất khó chịu.
Bức bách của người dân khi phải sống trong bầu không khí ô nhiễm lại lần nữa buộc chúng tôi phải đi dọc kênh B, đường Võ Hữu Lợi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM. Nơi đây là bãi đáp của nhiều cơ sở gây ô nhiễm xen cài khu dân cư. Đoạn đường dài chưa đầy 2 km nhưng có đến 6 cơ sở với các ngành nghề như súc rửa, tái chế thùng phuy; sản xuất, gia công nhựa; gia công cơ khí….
Nhà nằm cạnh cơ sở súc rửa, tái chế thùng phuy không tên, ông Nguyễn Văn Diệu than rằng từ khi cơ sở này hoạt động đến nay đã hơn 5 năm, cũng là ngần ấy thời gian gia đình ông sống trong lo sợ vì ô nhiễm tấn công. "Khi thì mùi sơn, khi thì mùi hóa chất ngửi vào chỉ muốn nôn. Không thể chịu nổi, chúng tôi nhiều lần nói chuyện với chủ cơ sở nhưng mọi thứ vẫn diễn ra. Để tự cứu mình, chúng tôi phải dùng vải, bao ni-lông nhét vào kẽ hở của bức tường nhằm hạn chế mùi hôi từ cơ sở bay sang nhà" - ông Diệu thở dài. Nhìn qua dãy nhà xưởng gần nhà ông Diệu, được dựng bằng tôn với 2 nhà kho chất đầy thùng phuy có diện tích hơn 1.500 m2, chúng tôi thật sự ái ngại cho cuộc sống của người dân quanh khu vực này.
Dồn dập những tiếng thở than
Nằm ven những cánh đồng trên đường Trần Thị Ly, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn là gần 10 nhà xưởng hoạt động với nhiều ngành nghề như cơ khí, bao bì, sản xuất dầu nhớt và tái chế nhựa. Đặc biệt, một số cơ sở bị người dân phản ánh vì gây ô nhiễm môi trường, bức tử kênh rạch, trong đó có Công ty TNHH SX-TM Nhựa Minh Đức chuyên thu mua, súc rửa nhựa tái chế để xay thành mảnh. "Nước súc rửa bình nhựa, chai nhựa đều được công ty này thải ra cống thoát nước, chảy qua con kênh tiêu thoát nước cách đó vài trăm mét. Do nước thải chưa qua xử lý nên khi thải ra kênh, tích tụ lâu ngày tạo thành một lớp dày trên mặt kênh, bốc mùi hôi thối. Con kênh đang chết, con người đang ngộp" - cư dân phản ánh. Cũng trong cụm các cơ sở này, chúng tôi ghi nhận sự cẩu thả của xưởng sản xuất bao bì Gia Đức, khi để hàng chục thùng sơn chảy lênh láng ra môi trường mà không hề dọn dẹp.
Hơn 2 năm qua, ông Trần Minh Đạt (46 tuổi) và hàng loạt hộ dân sống hẻm 465 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM liên tục gửi đơn cầu cứu về việc tình trạng ô nhiễm không khí, nước thải bủa vây. Con đường mòn dẫn vào khu dân cư từ lâu trở thành đường… sông. Theo tố cáo của ông Đạt, "thủ phạm" gây ra ngập nước và ô nhiễm chính là xưởng giặt ủi kế nhà gây ra. "Khi mặt trời vừa tắt nắng thì xưởng giặt ủi kế nhà nhả khói như người nghiện thuốc lá. Bên trong, gỗ, cây khô, chất đốt cháy liên tục để sấy khô quần áo, mền, drap trải giường. Mỗi đợt xả nước, đường cứ thế ngập ngụa trong chất thải. Nước trồi lên đủ thứ màu, xanh, đỏ, tím, vàng…" - ông Đạt than thở.
Ông kể, năm 2019 đã có 2 người hàng xóm bán nhà dời sang nơi khác sống. Những người như ông vì hoàn cảnh nên phải bám trụ. Quá bức xúc người dân nhiều lần lên UBND xã Long Thới phản ánh, nhưng chính quyền xuống kiểm tra rồi mọi thứ vẫn hoạt động như cũ.
Chưa dừng lại, cận nhà xưởng nói trên xuất hiện thêm một cơ sở sản xuất, chế biến thịt bò. Mỗi chiều mỡ bò thải và đổ trực tiếp ra cống thoát nước. Lâu ngày đóng thành váng, mùi tanh tưởi đến khó chịu. Muốn ra vào con hẻm người dân phải chấp nhận lội trong dòng nước bì bõm đầy ô nhiễm. Bà Lê Thị Tính (51 tuổi) kể khu dân cư tồn tại hàng chục năm nhưng không biết vì sao chính quyền lại cho chủ xưởng giặt và cơ sở chế biến thịt bò hoạt động và xả thải gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân. Hơn nữa, khi các nhà xưởng này về xây dựng cũng là lúc nhiều đồng ruộng bị lấp bỏ.
Đừng để có tội với con trẻ
Nghe những ca thán, nhìn những hình ảnh cơ sở gây ô nhiễm bức hại môi trường sống của người dân nhưng cứ ngang nhiên hoạt động khiến chúng tôi không thôi ám ảnh và nghi ngờ.
Chuyện ám ảnh thì tin rằng ai đến cũng thấy, nhất là hình ảnh trẻ em đang từng ngày, từng giờ hít phải bụi mịn. Thế nhưng, chuyện nghi ngờ thì chỉ có những người trong cuộc, những người vào cuộc thâm nhập sau những tiếng kêu cứu của cư dân mới thấy. Đó là tại sao các cơ sở gây ô nhiễm trên cứ thế tồn tại từ năm này qua năm khác? Tại sao những tiếng thở than của người dân chạm vào tất cả mọi người nhưng chính quyền lại không xử lý rốt ráo và dứt điểm? Tại sao lại để cho người dân, con trẻ khổ sở đến vậy?
Chúng ta thường nhắc và nhấn mạnh đến việc phát triển bền vững, vậy, hãy trả lời và xử lý ngay những cơ sở "giết người" này, đừng để có tội với con trẻ - thế hệ tương lai của chúng ta.
M.A
Kỳ tới: Lật mặt
Bình luận (0)