Hầm chui ngã tư Tân Phong nằm ở khúc giao đường Đồng Khởi và đường Nguyễn Ái Quốc là hầm chui thứ 3 được thực hiện tại TP Biên Hòa nhưng nó là hầm chui đầu tiên được xây dựng ở khu nội ô, trước đó 2 hầm chui khác đều nằm trên tuyến Quốc lộ 1.
Hầm chui giải tỏa ách tắc nội đô
Hầm chui Tân Phong được thiết kế bằng bê tông cốt thép, phần hầm kín dài 50m, rộng 15m với 4 làn xe gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Phần hầm hở dài 380m rộng 14m gồm 2 chiều xe chạy với 4 làn xe, đường dẫn hai đầu hầm dài 150m, phần gờ chắn dài 125m. Vận tốc thiết kế hướng chính 60km/h và đường gom 2 bên hầm 40km/h với tổng vốn đầu tư cho dự án là 259 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh.
Hầm chui Tân Phong, ngã tư Đồng Khởi- Nguyễn Ái Quốc được đánh giá cao về hiệu quả sau khi vận hành
Hầm chui Tân Phong khánh thành vào cuối năm 2016 chỉ sau gần 8 tháng thi công, được đánh giá là đã góp phần làm thay đổi diện mạo giao thông ở một góc phía tây TP, giải quyết được tình trạng ùn tắc ở "điểm đen" nhức nhối nhiều năm tại đây.
Từ khi có hầm chui, nút giao thông trở nên rộng thoáng, người dân ra vào "cửa ngõ", từ phía phường Trảng Dài, một phần các phường Tân Phong, Tân Hiệp, Hố Nai; cán bộ công chức đi vào khu trung tâm làm việc; công nhân đi về các KCN Amata, Biên Hòa 2, Loteco thoát cảnh "toát mồ hôi" vào những giờ cao điểm. Điều khác với hai hầm chui ngã tư Vũng Tàu và Tam Hiệp là do nằm trong nội ô nên hầm chui Tân Phong được phân làn cho phép xe máy lưu thông qua hầm, vì vậy mà lượng xe "thoát" nhanh, giảm được áp lực xung đột giao thông.
"Từ khi có hầm chui Tân Phong, tôi nhẹ cả người. Vì gia đình tôi ở phường Trảng Dài, mọi công việc hàng ngày đều phải đi hướng vào TP, đi qua khu vực này. Trước khi có hầm là những người ở phía này của TP đều phải mệt mỏi khi ra đường, đối mặt với kẹt xe, khói bụi. Từ khi có hầm, chúng tôi khỏe hẳn. Nhìn hạ tầng khu vực cũng khang trang hơn, đẹp hơn nhiều…", anh Nguyễn Văn Khánh, nhà ở gần UBND phường Trảng Dài, chia sẻ.
Xóa ám ảnh tai nạn
Cùng với hầm chui Tân Phong, hầm chui Tam Hiệp trên Quốc lộ 1 cũng được đánh giá cao về hiệu quả khi đi vào vận hành. Hầm chui Tam Hiệp ra đời được đánh giá là đã "xóa đi nỗi ám ảnh" của người dân về nạn kẹt xe, tai nạn giao thông tại đây trong suốt thời gian dài.
Thời điểm trước đó, trên trục giao thông Quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa, ngoài nút giao thông ngã tư Amata, ngã tư Vũng Tàu thì vòng xoay Tam Hiệp được coi là "điểm rất đen" về tai nạn giao thông. Tài xế chạy xe Bắc - Nam cũng như người dân TP nhiều lúc bàng hoàng vì tai nạn cứ diễn ra liên tục tại đây, đến nổi miếu thờ những người đã mất vì tai nạn giao thông đặt kín một góc đường.
Vòng xoay Tam Hiệp là nút giao đường Phạm Văn Thuận đi vào trung tâm TP Biên Hòa và Quốc lộ 1 đi TP HCM; nối đường Bùi Văn Hòa đi các KCN, về Quốc lộ 51; còn có các đường nhánh vào các khu dân cư đông đúc. Do vậy, ở thời gian nào trong ngày tình hình giao thông tại đây cũng gần như "nghẹt thở".
Năm 2015, hầm chui Tam Hiệp được đưa vào sử dụng, ô tô được phân luồng khi đi trên Quốc lộ 1 đều chui dưới hầm, không phải chạy chung với những phương tiện khác ở phía trên, đã giúp giảm tải áp lực giao thông thấy rõ. Từ đó, đánh giá của ngành giao thông cũng như người dân cho rằng, "điểm đen" tai nạn giao thông tại vòng xoay Tam Hiệp đã được xóa.
Vẫn còn những bất cập
Việc xây dựng các hầm chui tại TP Biên Hòa đã làm thay đổi bộ mặt giao thông tại khu vực, hòa vào những bước tiến trong xây dựng hạ tầng giao thông quốc gia giao thoa tại đây như các tuyến quốc lộ, cao tốc. Tuy nhiên những hạn chế, bất cập chưa phải đã giải quyết hết. Hầm chui tại nút giao thông 3 tầng tại ngã tư Vũng Tàu là ví dụ.
Khu vực ngã tư Tân Phong sau khi có hầm chui không chỉ thuận tiện nhiều về mặt giao thông còn đổi mới, khang trang hơn về diện mạo
Hầm chui ngã tư Vũng Tàu giao Quốc lộ 1 với Quốc lộ 51 đi Bà Rịa- Vũng Tàu, nằm ngay "cửa ngõ" phía Bắc TP HCM. Hầm dài 630m, mặt đường rộng 9m, đoạn mở rộng 11m, dành cho 2 làn ô tô lưu thông 1 chiều từ Quốc lộ 51 vào Quốc lộ 1 về TP HCM và ngược lại; xe máy không được chạy dưới hầm mà đi trên mặt hầm. Hầm chui này nằm trong dự án cầu Đồng Nai mới và nút giao khu vực này, có tầm quan trọng giải quyết áp lực lớn về giao thông tại đây khi lượng xe ra vào TP HCM ngày càng lớn.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, suốt thời gian dài cơ quan chức năng sau nhiều lần thí nghiệm vẫn không tìm ra phương án nào phân luồng hữu hiệu tại đây khiến tai nạn giao thông vẫn liên tục xảy ra, va chạm giao thông liên tiếp giữa ô tô và xe máy, nhiều người chết oan uổng. Tình trạng này đã dẫn đến phản ứng dữ dội của người dân địa phương.
"Nút giao thông 3 tầng với hầm chui và cầu vượt nhưng xe qua lại lộn xộn. Tại nạn đau lòng liên tiếp xảy ra. Người dân địa phương thì qua lại phải vòng rất xa hết sức bất tiện. Đường dốc, làn chồng chéo, đèn tín hiệu giao thông khó quan sát. Thấy đã điều chỉnh nhiều lần nhưng hình như không tìm ra cách nào tốt hơn. Chúng tôi qua khu vực này mà thấy sợ, hy vọng qua năm mới rồi cơ quan chức năng tìm ra phương án nào phân luồng hữu hiệu mới phát huy được hạ tầng đã đầu tư ở khu vực này…", bà Thìn, nhà ở ngay góc ngã tư Vũng Tàu thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, nói.
Theo ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, tại nạn giao thông trên địa bàn đã được kéo giảm ở cả ba tiêu chí so với năm trước. Theo đó, toàn tỉnh xảy ra 292 vụ tại nạn giao thông (giảm 26 vụ) làm chết 224 người (giảm 15 người) và 169 người bị thương (giảm 26 người).
Bình luận (0)