Gần 10 năm trước, ngày 25-2-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 356 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu nhanh chóng phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, để đến năm 2020, cả nước có khoảng 2.018 km.
Cao tốc bắc Giang- Lạng Sơn
Đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc
Thời điểm đó, ngoài 167 km đường cao tốc đã hoàn thành (gồm TP HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Liên Khương - Đà Lạt, Vành đai 3 Hà Nội (đoạn cầu Phù Đổng - Mai Dịch), Đại lộ Thăng Long), Chính phủ đặt ra mục tiêu giai đoạn từ năm 2013 - 2020 hoàn thành 1.852 km mới, gồm: Cao tốc Bắc - Nam (dài 776 km), cao tốc Hạ Long - Móng Cái (dài 128 km), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 76 km), cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (dài 200 km), Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Vành đai 4 Hà Nội (dài 47 km), Vành đai 3 TP HCM (dài 42 km)…
Tuy vậy, theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 1.259 km đường cao tốc đưa vào khai thác đạt khoảng 57,6% so với quy hoạch). Bên cạnh một số tuyến cao tốc đã được Bộ GTVT thực hiện đầu tư xây dựng đúng theo lộ trình quy hoạch đề ra như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hòa Lạc - Hòa Bình… còn lại, các dự án khác vẫn đang triển khai xây dựng (cao tốc Bắc - Nam, Hạ Long - Móng Cái…) hoặc chưa được phê duyệt dự án đầu tư (Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 5 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM…).
Khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới thủ đô Hà Nội: Nhật Tân - Nội Bài, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn.
Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam Bộ và phía Bắc, TP HCM - Trung Lương nối với các tỉnh ĐBSCL; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.
Dù giai đoạn 2011 - 2020, cả nước chỉ có 1.259 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, song trong dự thảo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT vẫn đặt mục tiêu đột phá rất lớn, cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc được hoàn thành vào năm 2030, gấp gần 4 lần so với khoảng thời gian 10 năm trước đó.
Ngoài các tuyến cao tốc đang triển khai thi công (cao tốc Bắc - Nam, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ...), Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng các tuyến đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện được từ giai đoạn trước (Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM...) và hàng loạt các tuyến cao tốc mới trải dài khắp cả nước trong giai đoạn 2021 - 2030.
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định của Thủ tướng, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ lần này xác định đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khánh thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần- 2022
Với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch, đến năm 2030 có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, bao gồm:
Trục dọc Bắc Nam (2 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe; Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe. Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị TP HCM gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.
"Để thực hiện được quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch đề ra, các giải pháp được tập trung nhấn mạnh về huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc; đẩy mạnh đầu tư PPP. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt, kích hoạt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Quy hoạch cũng thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương"- Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho hay.
Tạo cơ chế đột phá về hạ tầng giao thông
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Về chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn chuẩn bị khánh thành đưa vào khai thác
Chia sẻ những thách thức đối với 12 dự án cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng các dự án cao tốc Bắc - Nam khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn vật liệu và năng lực thi công của nhà thầu về xử lý nền đất yếu, chất lượng công trình. Rút kinh nghiệm thi công dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020, những mỏ đất cát khai thác bao nhiêu, dự án nằm trong quy hoạch, thì Bộ GTVT sẽ làm việc với HĐND tỉnh, thành phố xúc tiến mở mỏ, khai thác ngay. Chính phủ, Bộ GTVT cũng chỉ đạo quyết liệt cho nhà thầu khai thác mỏ đưa vật liệu vào công trường chỉ đóng thuế môi trường, không phải mua nguồn vật liệu chênh lệch giá cao như hiện nay.
Một thách thức nữa là về năng lực nhà thầu thi công và nhân lực tư vấn giám sát, thiết kế yếu và mỏng. Nếu chỉ định thầu, Bộ GTVT sẽ ban hành hồ sơ mời thầu, đảm bảo trình độ, năng lực phải đáp ứng mới xét duyệt. Theo tính toán chỉ có khoảng 5 - 7 đơn vị tư vấn được chỉ định thầu để chọn đơn vị chất lượng và rút ngắn được tiến độ thi công so với đấu thầu. Song khó khăn là các nhà thầu đang triển khai giai đoạn I, nếu triển khai tiếp giai đoạn II có thể gặp khó về nguồn nhân lực. Vì vậy, phải xét duyệt kỹ lưỡng trước khi chỉ định thầu.
Nhiều ý kiến cho rằng tiến độ hoàn thành các dự án cao tốc Bắc Nam gấp gáp, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Chất lượng cao tốc là ưu tiên hàng đầu".
Theo Bộ trưởng GTVT, đây là bài học "xương máu" rút ra từ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khiến nhiều cán bộ trong ngành vướng vòng lao lý. Cao tốc Bắc - Nam được đầu tư xây dựng 3 năm, khó khăn nhất là xử lý đất yếu. Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng từng đoạn tuyến cụ thể, để có thời gian gia cố đất yếu từ 8 - 10 tháng, được giám sát chặt chẽ từ lựa chọn nguồn vật liệu, kỹ thuật, tư vấn, chất lượng từng hạng mục… trước khi tổng lực thi công. Bộ GTVT cũng cam kết đốt cháy giai đoạn dự án trọng điểm này và tuyệt đối không đánh đổi chất lượng với thời gian và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, trước sự giám sát của nhân dân.
Bình luận (0)