Sau thời gian dài chờ đợi, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) đã được khởi công trong những ngày cuối năm 2022. Với tổng mức đầu tư hơn 10.900 tỉ đồng, dự án này không chỉ giúp giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất mà còn góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tín hiệu tích cực
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đây là dự án quan trọng của ngành giao thông vận tải. Với tư cách là chủ đầu tư dự án, ACV cam kết hoàn thành nhà ga T3 đúng tiến độ, đưa vào khai thác bảo đảm an toàn, chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
"Dự án dự kiến được thi công trong 24 tháng, hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2024, đáp ứng tiến độ Chính phủ yêu cầu. Nhà ga T3 sau khi hoàn thành sẽ đạt công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm" - ông Lại Xuân Thanh thông tin.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 được thực hiện đồng thời với các công trình mở rộng tuyến đường kết nối do TP HCM làm chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Một trong những dự án giao thông cũng vừa được khởi công xây dựng là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đi ngang nhà ga T3 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương, thời gian qua, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cung ứng tốt hơn dịch vụ công, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Tuy chỉ chiếm khoảng 16%-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 5%-6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn "mồi" dẫn dắt, định hướng vốn đầu tư toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nêu rõ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư công vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế đất nước vừa gián tiếp đưa dòng tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động sau cú sốc về dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Năm 2023, trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, một trong những biện pháp quan trọng tạo sức bật cho nền kinh tế là đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư côngẢnh: HOÀNG TRIỀU
Tháo gỡ vướng mắc, quyết liệt giải ngân
Dẫn số liệu giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11-2022 đạt trên 338.319 tỉ đồng - chỉ bằng 58,33% kế hoạch năm và thấp hơn cùng kỳ năm trước, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nêu một số nguyên nhân.
Theo đó, các thủ tục chuẩn bị hồ sơ dự án như khảo sát, thiết kế dự toán... còn sơ sài, chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng, còn sai lệch nên gây khó khăn cho việc triển khai. Khi có phát sinh ngoài dự toán thì thủ tục thanh toán trở nên phức tạp, tốn thời gian, khiến ban quản lý dự án và chủ đầu tư đều ngần ngại xử lý.
"Các nhà thầu xây dựng là lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công. Nếu lực lượng này thực hiện được khối lượng công việc lớn thì giải ngân sẽ nhanh. Tuy nhiên, các nhà thầu đang gặp khó khăn, vướng mắc về vấn đề đơn giá, định mức với rất nhiều bất cập khiến họ quá thua thiệt" - ông Hiệp giải thích.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng - tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với năm 2021. Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng trong năm 2023 là phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dự báo có nhiều khó khăn, thách thức.
Với số vốn bố trí năm 2023 tăng mạnh như trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31-12-2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Bên cạnh đó, cần làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, nhất là những dự án khởi công mới. Lưu ý lựa chọn dự án có đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi và khả năng triển khai.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công. Song song đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước mắt là sửa ngay những điểm bất cập đã được phát hiện trong thời gian qua...
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng xu hướng thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế thể hiện rõ ở việc công bố dự toán ngân sách năm 2023 với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công đầy tham vọng.
Để thực hiện kế hoạch, Chính phủ đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 lên 4,5% - cao hơn mức 4% của năm 2022; đồng thời dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn.
"Một trong những yếu tố hỗ trợ đầu tư công trong năm 2023 là giá vật liệu xây dựng sau khi đạt đỉnh vào tháng 4-2022 đã giảm 6,7% so với cuối năm 2021. Vốn đầu tư công thực hiện năm 2023 có thể tăng 20%-25% so với số thực tế năm 2022. Những dự án đầu tư công trọng điểm sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2023 là đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành" - bà Trần Khánh Hiền dự báo.
Kỳ vọng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ cải thiện mạnh mẽ, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức ngay trong quý I để kịp triển khai các dự án. Đồng thời, có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để điều chỉnh, giải quyết những vấn đề phát sinh; điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán.
Khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp rất quan trọng để phục hồi kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo không gian phát triển mới".
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT TRẦN QUỐC PHƯƠNG
"Tắc" đầu tư công, doanh nghiệp sẽ nợ lẫn nhau
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định nếu kênh đầu tư công không được đẩy nhanh và vẫn "tắc" như thời gian qua thì các doanh nghiệp sẽ nợ đọng vốn lẫn nhau khoảng 60.000 - 70.000 tỉ đồng.
Do đó, cần tăng tốc triển khai các cấu phần trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cùng các chương trình mục tiêu quốc gia và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ đã được nêu trong các chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ cần được nghiêm túc tuân thủ.
"Cần nghiên cứu khả năng tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa với vai trò chủ lực, chủ yếu là giảm thuế, phí... để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp" - TS Cấn Văn Lực góp ý.
Bình luận (0)