Từ 7 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, đến nay Bình Dương đã có 33 KCN được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch lên đến 14.790 ha, trong đó 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.057 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 92%.
Đóng góp lớn vào tăng trưởng
Có thể nói chính sự nhanh chóng hình thành các khu, cụm công nghiệp đã thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành các khu đô thị mới, qua đó đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương nêu rõ từ đầu năm đến hết ngày 31-5, tỉnh Bình Dương thu hút tổng cộng hơn 914 triệu USD (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022) đến từ 18 quốc gia. Cụ thể, thu hút 33 dự án vốn đăng ký mới, với hơn 337 triệu USD; 12 dự án vốn tăng thêm, với hơn 43 triệu USD; 65 dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với số tiền gần 545 triệu USD. Hà Lan là quốc gia dẫn đầu vốn FDI với hơn 320 triệu USD, Singapore đứng thứ 2 với hơn 245 triệu USD, Đan Mạch đứng thứ 3 với 163 triệu USD... Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 469 triệu USD, chiếm gần 52% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, kiểm tra thực địa tại dự án 1,3 tỉ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ở KCN VSIP III
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, với số vốn thu hút kể trên, Bình Dương đã đạt hơn 50% kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 đề ra là 1,8 tỉ USD. "Lũy kế đến nay, "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương đã thu hút 4.109 dự án, với tổng số vốn gần 40 tỉ USD, trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư, chỉ sau TP HCM" - ông Nhân cho biết.
Một trong các dự án FDI rót vốn mạnh nhất vào Bình Dương chính là nhà máy hơn 1,3 tỉ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tại KCN VSIP III. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất tại Bình Dương đến thời điểm này. Để dự án được triển khai đúng tiến độ cũng như kỳ vọng về một nhà máy trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam của tập đoàn này, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương liên tục đi kiểm tra tiến độ dự án, trực tiếp trao đổi với lãnh đạo tập đoàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khẳng định lãnh đạo tỉnh sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Với sự quyết liệt của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bình Dương, chỉ trong một thời gian rất ngắn, dự án nhà máy hơn 1,3 tỉ USD của Tập đoàn LEGO đã hoàn thành trên 90% các thủ tục thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo kế hoạch, vào quý III/2023, bộ phận văn phòng sẽ bắt tay vào làm việc và đầu năm 2024 bắt đầu tuyển dụng, dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.
Chìa khóa thành công
Có nhiều nguyên nhân để nhà đầu tư quyết định chọn Bình Dương là bến đỗ, trong đó vai trò của hạ tầng giao thông gần như quyết định thành công tại "thủ phủ công nghiệp" này.
Nhắc đến hạ tầng giao thông của Bình Dương thì Quốc lộ 13, được ví là trục giao thông xương sống, đi qua địa bàn dài 62 km được đầu tư theo hình thức BOT, nối TP HCM đi Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời kết nối linh hoạt, hiệu quả hệ thống KCN của Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn. Năm 2022, Quốc lộ 13 tiếp tục được mở rộng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (TP Thuận An, giáp TP Thủ Đức) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) chiều dài 12,7 km, với kinh phí khoảng trên 1.300 tỉ đồng.
Cùng với Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn được hình thành với chiều dài 64 km, bắt đầu từ Quốc lộ 1A - ngã 3 Tân Vạn (phường Bình Thắng, TP Dĩ An) đến KCN Bàu Bàng - đường Hồ Chí Minh, đi qua 5 địa phương của tỉnh Bình Dương, có tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỉ đồng đã tạo thuận lợi rất nhiều trong giao thương.
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Toàn, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này có thể tiết kiệm được khoảng 30% chi phí từ nhà máy đến các cảng trong khu vực Đông Nam Bộ so với đi theo Quốc lộ 13. Đặc biệt, để hàng hóa lưu thông nhanh hơn trên cung đường này, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch cụ thể để xây dựng hàng loạt cầu vượt, hầm chui. "Sắp tới, giao thông qua Bình Dương sẽ còn vô cùng thuận lợi với các dự án đang được đẩy nhanh triển khai như: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng (TP Dĩ An), tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1... Từ đây, việc thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Dương hứa hẹn sẽ nhảy vọt" - ông Toàn kỳ vọng.
Không chỉ có giao thông thuận lợi, qua ghi nhận, tinh thần cầu thị, cởi mở của lãnh đạo Bình Dương cũng là điều được nhà đầu tư đánh giá cao. Bằng chứng là lãnh đạo tỉnh thường xuyên chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước.
Một điểm nhấn quan trọng nữa là hạ tầng các KCN của Bình Dương được xây dựng đầy đủ và đáp ứng các điều kiện đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, để bảo đảm nguồn nhân lực cho các nhà xưởng, tỉnh Bình Dương đã không ngừng đẩy mạnh kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhằm giải quyết nhu cầu và nâng cao chất lượng về nhà ở đối với người lao động làm việc trong các khu, cụm nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ là một lựa chọn đặc sắc của tỉnh Bình Dương, đóng vai trò chiến lược trong việc thu hút đầu tư, củng cố và phát triển toàn diện về đô thị, kinh tế đô thị, đời sống văn hóa xã hội. Đây chính là sự khác biệt, là nguyên nhân Bình Dương có thể phát triển công nghiệp toàn tỉnh, cũng đã như lan tỏa mô hình của mình ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
"Xuất khẩu" khu công nghiệp
Bình Dương không chỉ phát triển thành công các KCN trong địa bàn của tỉnh mà còn nhân rộng mô hình KCN đồng bộ, thông minh, xanh, thân thiện với môi trường và hiện đại tại các tỉnh, thành khác trong nước. Điển hình là đến nay đã có 11 KCN Việt Nam - Singapore được triển khai tại nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định.
Tiếp nối thành công, mới đây, Tổng Công ty Becamex IDC đại diện chủ đầu tư liên doanh KCN Việt Nam - Singapore đã ký kết với 9 tỉnh gồm: Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Phước, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa về hợp tác xây dựng KCN trong thời gian tới.
Bình luận (0)