Sáng 25-5, trở lại hiện trường vụ tai nạn tàu lửa và xe tải làm 2 người chết, 9 người bị thương tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa hôm 24-5, chúng tôi nhận thấy hệ thống rào đường ngang giao cắt với đường sắt đã được khắc phục. Hiện còn 5 toa tàu và đầu máy của đoàn tàu SE19 vẫn chưa giải phóng khỏi hiện trường.
Hơn 4.200 lối đi tự mở
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa, cho biết đơn vị đã cử 3 nhân viên khác thay 2 nhân viên đang bị bắt tạm giam. "Việc di dời các toa tàu dự kiến đến ngày 31-5 mới hoàn thành. Do các toa tàu rất nặng nên mỗi ngày, chúng tôi chỉ đưa được 1 toa rời khỏi hiện trường. Đầu tàu nặng gần 100 tấn lại nằm dưới ruộng sâu nên sẽ đưa lên sau cùng và phải huy động nhiều cẩu chuyên dụng tới" - ông Tâm khẳng định.
Công ty này đang quản lý, khai thác 120,5 km (từ Km137+300 đến Km257+500) đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Bên cạnh 85 đường ngang hợp pháp do công ty quản lý, trên tuyến đường này còn 178 đường ngang tự mở. "Các đường ngang tự mở thì trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương theo Quy chế 09 của Bộ Giao thông Vận tải. Công ty chỉ phối hợp bảo đảm an toàn như cắm biển cảnh báo, phát quang tầm nhìn" - ông Nguyễn Trần Trung, Phó Phòng Kỹ thuật an toàn, nói.
Công nhân đường sắt ở Thanh Hóa che chắn các toa tàu gặp nạn để chờ chuyển đi sửa chữa Ảnh: TUẤN MINH
Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ở Thanh Hóa một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về hiểm nguy rình rập tại những điểm giao cắt với đường bộ trên cả nước.
Tại Km1070+500 (đoạn qua khu phố An Hòa, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), do nằm gần ga, lưu lượng tàu lửa hằng ngày qua lại nhiều nên điểm giao nhau giữa đường ngang và đường sắt được bố trí chốt chắn, người gác, đèn, chuông cảnh báo tàu. Thế nhưng, khi đoàn tàu sắp đi qua, nhân viên đã đóng gác chắn, một số tài xế vẫn cố vượt qua. Trên tuyến đường sắt đi qua khu vực 4, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chỉ một đoạn ngắn đã có đến chục lối đi do người dân tự mở.
Trung tá Đỗ Thanh Bình - Đội trưởng Đội CSGT đường sắt Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định - cho hay đường sắt đi qua địa bàn tỉnh dài hơn 146 km nhưng có 156 đường dân sinh, lối đi trái phép và khoảng 60 đường ngang hợp pháp. 1/3 trong số đó có trạm gác chắn và nhân viên thường trực; số còn lại chỉ có biển báo, hệ thống cảnh báo tự động. "Hầu hết các vụ tai nạn đường sắt đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân" - trung tá Bình nói.
Tương tự, tuyến đường sắt đi qua tỉnh Quảng Ngãi dài gần 100 km, trong đó có 41 điểm giao nhau với đường ngang dân sinh. Người dân đã tự lập hàng chục điểm đường ngang. Ở nhiều nơi, dù ngành đường sắt đã xây bờ tường ngăn cách giữa đường sắt và đường dân sinh nhưng vẫn bị người dân đập bỏ để tạo lối đi ngang đường sắt.
Theo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh, toàn tuyến đường sắt qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 150 km mà có 167 đường ngang, lối đi dân sinh bất hợp pháp. Đặc biệt, tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm), chỉ khoảng 1 km đã có 16 lối đi dân sinh. Một số nơi ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn, cắm biển nhưng bị tháo dỡ.
Cả nước hiện có 4.232 lối đi tự mở qua đường sắt. 69% vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các vị trí giao cắt, trong đó hơn 70% số vụ xảy ra tại lối đi tự mở.
Nâng cao ý thức người dân
Tại Khánh Hòa, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt chết người mà chủ yếu xuất phát từ người dân thiếu ý thức. Trong số 11 vụ tai nạn đường sắt làm 11 người chết, 2 người bị thương trong năm 2017, nhiều vụ việc do tài xế xe tải thiếu quan sát, người đi bộ ngồi chơi trên đường sắt, người dân thiếu quan sát khi băng qua đường sắt…
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cấp kinh phí cho công ty phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các địa phương tổ chức tuyên truyền ATGT đường sắt cho học sinh ở các trường học, vận động người dân ký cam kết bảo đảm ATGT.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT, cho biết năm 2017, toàn quốc xảy ra 331 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 153 người, bị thương 219 người.
Có 10 địa phương chưa thực hiện tổ chức cảnh giới tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay tai nạn đường sắt chủ yếu do khách quan và xảy ra nhiều tại các lối đi tự mở và dọc trên đường sắt (chiếm gần 80%), còn lại là tại đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang biển báo. "Một phần tai nạn giao thông đường sắt do nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong bảo đảm ATGT" - ông Hoạch nhìn nhận.
Đánh giá sự phối hợp giữa các địa phương và ngành đường sắt còn chưa đầy đủ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng khi để phát sinh lối đi cắt ngang đường sắt, chính quyền xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương.
Khởi tố vụ án tai nạn ở Thanh Hóa
Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa ngày 25-5 cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và khởi tối bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Văn Hùng (SN 1983) và Phạm Văn Vui (SN 1978; cùng ngụ thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia). Đây là 2 nhân viên gác đường ngang của Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa đã để xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 2 lái tàu tử vong và 9 người bị thương rạng sáng 24-5.
Bình luận (0)