Trong 2 ngày 20 và 21-6, vào chiều tối và đêm tại khu vực sân bay Nội Bài (TP Hà Nội) có mưa dông kèm gió mạnh, đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều chuyến bay không thực hiện đúng kế hoạch, phải bay chờ và phải chuyển hướng đi các sân bay dự bị.
Hình ảnh mây ảnh hưởng đến khu vực hạ cánh và tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VATM
Theo đó, trong khoảng thời gian từ 18 giờ 30 đến 20 giờ ngày 20-6, tại sân bay Nội Bài xảy ra mưa dông có gió mạnh, gió giật và tầm nhìn ngang giảm xuống 4 km; sau đó từ 00 giờ 30 đến 3 giờ ngày 21-6 lại xuất hiện mưa dông có cường độ rất mạnh, tầm nhìn ngang có lúc giảm xuống 800 m, gió giật mạnh.
Đáng chú ý, trong đợt dông mưa xảy ra vào đêm gây ra gió xuôi mạnh kéo dài và mây chắn đầu hạ cánh gây khó khăn cho máy bay hạ cánh và phải bay vòng chờ.
Do mưa dông có cường độ mạnh kèm gió xuôi duy trì kéo dài dẫn đến 13 chuyến phải bay chờ, 4 chuyến phải chuyển hướng đi sân bay dự bị tại Hải Phòng và Nam Ninh, sau khi hết mưa dông đã hạ cánh lại sân bay Nội Bài.
Vào chiều tối ngày 21 trên khu vực Nội Bài xuất hiện mưa dông. Tuy nhiên, tại sân bay Nội Bài chỉ có mưa nhỏ, tầm nhìn tốt và có gió giật. Dông mạnh xảy ra chủ yếu ở khu vực lân cận nhưng mây chắn đầu hạ cánh và cất cánh dẫn đến máy bay không thể hạ cánh được, làm 20 chuyến phải bay vòng chờ, không có chuyến bay phải chuyển hướng đi sân bay dự bị.
Hình ảnh mây trên radar và định vị sét ngày 21-6-2023 thể hiện mây chắn đầu cất hạ cánh và dông sét chủ yếu ở khu vực lân cận sân bay Nội Bài. Ảnh: VATM
Hình ảnh nhiều chuyến bay vòng chờ tại sân bay Nội Bài chiều tối ngày 21-6-2023. Ảnh: VATM
Có thể thấy, trong mưa dông kèm theo rất nhiều các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió giật, gió mạnh, gió đứt, mưa lớn làm giảm tầm nhìn hay mây chắn đầu cất hạ cánh đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khai thác của các hãng hàng không. Trong khi, mật độ bay ngày tại sân bay Nội Bài càng tăng, trung bình mỗi ngày có trên 600 chuyến cất và hạ cánh.
Do đó, Dự báo viên Trung tâm Khí tượng Hàng không Nội Bài luôn bám sát vị trí trực, luôn theo dõi và phân tích các công cụ như ảnh mây vệ tinh, ảnh radar, các thiết bị quan trắc, cảnh báo dông sét và gió đứt để chủ động tư vấn sớm, kịp thời cho Kiểm soát viên Không lưu tại Nội Bài về cường độ, thời gian kéo dài hay các hiện tượng ảnh hưởng đến khu vực cất hạ cánh và tại sân để từ đó Kiểm soát viên không lưu có thể lựa chọn đường cất hạ cánh phù hợp, không bị gián đoạn trong quá trình khai thác nhằm đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả trong dây chuyền đảm bảo hoạt động bay.
Bình luận (0)