Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành và lãnh đạo TP Hà Nội dự hội nghị.
Giảm dân, tái thiết đô thị
Theo Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tổng diện tích đất được quy hoạch là hơn 2.700 ha. Với quy hoạch này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định các quận nội thành sẽ phát triển theo hướng hạn chế nhà cao tầng, không tăng dân số.
Theo đó, khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận chỉ được phép xây dựng công trình không quá 4 tầng 16 m; khu phố cũ từ 4-6 tầng (16-22 m); các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5-7 tầng (20-25 m). Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Khu vực có công trình cao tầng, ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.
Về dân số, theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong 4 quận nội thành. Cụ thể, dân số hiện trạng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gần 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 giảm còn khoảng 672.000 người. Kế hoạch này hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, giảm 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành. Trong 6 năm qua, dân số quận Hoàn Kiếm cũng tự giảm 20.000 người.
Nói về chủ trương giảm dân số khu vực nội đô lịch sử, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết mục tiêu trên gắn với đề án giãn dân phố cổ đã được quận triển khai nhiều năm qua. "Thực tế hiện trạng số dân trên địa bàn quận đã giảm so với giai đoạn trước. Ngoài các giải pháp cụ thể của chính quyền, nhu cầu có nơi ở chất lượng hơn cũng thúc đẩy người dân tìm nơi ở mới phù hợp hơn" - ông Long nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu xem xét Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử
Lấy ý kiến rộng rãi
Việc UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch các đô thị phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử là nhằm triển khai định hướng Quy hoạch xây dựng chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phố cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.
Bí thư TP Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng để đi đến được quyết định quan trọng này, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Việc ban hành các đồ án quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử là cơ sở quan trọng để tiến hành công tác đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế, đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Nhiều người dân thủ đô kỳ vọng Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân theo đúng định hướng của Quy hoạch chung xây dựng thủ đô.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, 6 đồ án phân khu nội đô lịch sử Hà Nội đã được triển khai tuân thủ chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức nhân dân, chính quyền các cấp, đồng thời báo cáo nội dung cơ bản của đồ án với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Với việc công bố 6 đồ án trên, TP đã hoàn thành 36/38 quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô. Hiện còn 2 quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, TP đang tập trung hoàn chỉnh, dự kiến tháng 6 sẽ phê duyệt.
Bình luận (0)