Trạm thu phí ùn tắc kéo dài
Ngày 5-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Đội CSGT số 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết đến sáng 5-9, đã không còn tình trạng ùn tắc kéo dài tại khu vực trạm BOT thu phí Quốc lộ 5 (đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cả 2 chiều.
Trước đó, từ chiều đến tối 4-9, do bức xúc trước việc bị áp giá quá cao và không có sự hỗ trợ với những người dân sống quanh vùng phải thường xuyên đi qua trạm, các chủ phương tiện đã sử dụng tiền lẻ loại 200 đồng, 500 đồng, để trả phí khi qua trạm BOT này.
Clip trạm thu phí ngày 4-9
Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 16 giờ ngày 4-9, khi qua trạm thu phí này, gần 30 tài xế xe tải đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng để trả tiền phí, gây ùn tắc cục bộ chiều từ Hải Dương đi Hà Nội. Đến khoảng 17 giờ, các tài xế vòng lại qua trạm lần 2. Trong lần qua trạm đầu tiên, việc các lái xe dùng tiền lẻ mua vé diễn ra bình thường, nhưng trong lần quay trở lại, người dân ven trạm thu phí này biết chuyện đã kéo ra xem rất đông chặn xe đầu kéo, gây ùn tắc, náo loạn cả khu vực.
Người dân địa phương cũng kéo ra phản đối trạm BOT
Những người dân địa phương cho rằng phí qua trạm BOT này quá cao (40 ngàn đồng/lượt) nên xe tải đã tìm cách trốn trạm đi vào các đường liên xã, huyện, tỉnh. Tình trạng kéo dài đã làm hỏng đường xá, tăng tai nạn giao thông. Những người dân 2 huyện này đề nghị trạm giảm phí cho xe tải lưu thông theo quốc lộ như trước đây.
Anh Nguyễn Văn M. (tài xế container, một hãng vận tải ở TP Hải Phòng) bức xúc đường xá thì xấu, không được đầu tư vậy mà gần đây mức phí qua trạm nâng lên 40 ngàn đồng. Việc trạm thu phí này được thu phí hỗ trợ hoàn vốn của quốc lộ 5 mới là điều này là không thể chấp nhận được".
Còn ông Trần Văn C. (chủ doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương) phản ánh, việc tăng phí là hết sức vô lý vì theo ông, nhà chức trách đã thu phí bảo trì đường bộ sử dụng cho tuyến đường này. Theo ông C., không thể lấy lý do thu phí ở 2 trạm đặt trên quốc lộ 5A để bù cho phí quốc lộ 5B là cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được.
Nhân viên trạm BOT được tăng cường để đếm tiền lẻ
Ngay sau đó, Đội CSGT số 1 và Cảnh sát cơ động cùng Công an huyện Văn Lâm đã có mặt để vận động lái xe, người dân và phân làn giải quyết ùn tắc. Trạm thu phí cũng đã phải tăng cường nhân viên để đếm tiền lẻ. Thay vì thu tiền trực tiếp tại cửa trạm, các lái xe được yêu cầu tấp vào lề đường để nhân viên ra tận xe thu phí.
Để đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng ùn tắc kéo dài, công an địa phương đã yêu cầu Trạm thu phí xả trạm. Ngay sau đó, trạm đã mở cửa cho các phương tiện lưu thông trong khoảng thời gian khoảng hơn 20 phút.
Tính đến đêm 4-9, Đội CSGT số 1 vẫn huy động 100% quân số để túc trực tại trạm. Cảnh sát cơ động và công an địa phương cũng được yêu cầu có mặt để giải quyết nếu tình trạng lặp lại.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ, việc lái xe tập trung là để phản đối đòi giảm phí. Một số tài xế đưa tiền lẻ đã được yêu cầu đánh xe vào làn đường bên trong để thu tiền và cho xe qua trạm. Tuy nhiên có một số lái xe tải, xe bồn gây kích động. Do đó, chính quyền địa phương đã huy động cảnh sát cơ động đến để đảm bảo an ninh trật tự.
Liên quan đến dự án này, ông Huyện nói rõ đây là dự án thu hỗ trợ quốc lộ 5 mới chứ không phải dự án BOT. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vay tiền của ngân hàng làm đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và được Nhà nước cho phép thu phí quốc lộ 5 để hỗ trợ dự án.
Được biết, quốc lộ 5 có chiều dài 116 km, nối Hà Nội với Hải Phòng, được xây dựng bằng tiền ngân sách Nhà nước và đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay. Năm 2015, sau khi tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng xong, tuyến đường này được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho chủ đầu tư là VIDIFI được phép sử dụng 2 trạm thu phí BOT để hoàn vốn dự án, một đặt tại Hưng Yên và một đặt tại Hải Phòng. Sau khi VIDIFI tiếp quản, phí qua trạm quốc lộ 5 tăng từ từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng đối với xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi hoặc xe tải dưới 2 tấn; từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng với xe từ 12 đến dưới 30 chỗ ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn...). Hiện nay mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua lại.
Vào tháng 8-2016, nhiều người dân thuộc địa bàn hai xã Đại Bản và Lê (huyện An Dương, TP Hải Phòng), nơi giáp với đại điểm đặt trạm thu phí số 2 trên quốc lộ 5 để phản đối, đề nghị phải có cơ chế miễn, giảm phí cho những người dân trong xã.
Ngay sau đó, chia sẻ với người dân địa phương, UBND huyện An Dương cũng đã có kiến nghị đến các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư VIDIFI. Tuy nhiên, đến nay, người dân địa phương vẫn phải chịu cảnh đi qua trạm thu phí (chỉ cách nhà 1 km) là lại phải mất tiền.
Bình luận (0)