Trước đó, một người thân trong gia đình này bị truy nã vì tội đánh bạc. Trong lúc vây bắt can phạm bị truy nã, các chiến sĩ công an bị 4 người nói trên ngăn cản, tấn công. Ngoài ra, họ còn dựng video phát lên YouTube, vu khống và xúc phạm nhóm công an thi hành nhiệm vụ, gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận địa phương.
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ việc sử dụng mạng xã hội (MXH) làm công cụ để phát tán nội dung sai sự thật, xúc phạm người khác, chống đối lực lượng thi hành công vụ, thậm chí gây bất ổn xã hội. Mục đích của người phát tán tin giả, thông tin sai lệch rất đa dạng, từ đơn giản chỉ là gây chú ý nhằm mua vui hoặc tăng tương tác trên không gian ảo đến phức tạp hơn là gia tăng sức ép để vòi vĩnh, đòi hỏi quyền lợi riêng...
MXH đúng là "mảnh đất lắm người nhiều ma". Những câu chuyện đẹp, kết thúc có hậu từ đó có nhiều, tình nghĩa và sự thiện lành đơm hoa kết trái từ đó cũng nhiều, song cạm bẫy, lừa lọc, thù ghét, phản cảm, xấu xa... từ đó cũng lắm. Cái đẹp, cái tốt hẳn nhiên được cổ vũ, phát huy; cái xấu, cái ác tất nhiên bị chống đối, đẩy lùi. Kể cả khi pháp luật nghiêm trị hành vi sai trái cũng là vì mục đích giáo dục, để người mắc sai phạm sửa mình, để bản thân họ và người khác không nhúng chàm, cốt làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế cho thấy sự chuyển biến còn chậm, yếu tố tiêu cực trong các hành vi trên không gian mạng vẫn còn phổ biến, không chỉ là loan tin đồn nhảm, cắt ghép hình ảnh để tạo tình huống giả mà còn đầy rẫy phát ngôn xúc xiểm tha nhân, ngạo mạn khinh đời, coi thường pháp luật, gây chia rẽ và hận thù.
Kêu gọi ý thức của người dùng MXH thôi thì chưa đủ. Cơ quan chức năng cũng không đủ sức để đeo bám toàn bộ các nội dung được đăng/phát liên tục mỗi phần trăm giây trên MXH. Cộng đồng tiếp nhận thông tin không phải lúc nào cũng gửi được tiếng nói của mình đến nhà chức trách mỗi khi bắt gặp tin giả, video bạo lực hoặc phát ngôn sai trái để nhờ xử lý.
Chốt chặn quan trọng, buộc phải có, là trách nhiệm thanh lọc của chính các MXH. Ví như Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 5-2016 đã đưa ra "Bộ Quy tắc ứng xử về chống lại những thông tin gây thù hận, nói xấu bất hợp pháp trên mạng". EU yêu cầu 4 "big tech" Facebook, Twitter, Microsoft và YouTube phải ký thực hiện cam kết. Nhờ đó, tình trạng này giảm hẳn. Việt Nam chúng ta đã nhiều lần yêu cầu Google gỡ bỏ khỏi YouTube vô số video sai sự thật, đi ngược lại các giá trị tích cực của xã hội, thế nhưng những vụ việc tương tự gây hậu quả xấu từ YouTube (thuộc Google) vẫn tiếp tục nối dài. Rõ ràng, để YouTube chịu làm tấm lá chắn thật sự, cần phải có những ràng buộc mạnh mẽ hơn.
Mỗi quốc gia, khu vực có đặc thù riêng. Tham khảo cách làm của họ để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng riêng cho mình, phù hợp với điều kiện đất nước và xu thế tiến bộ của nhân loại, đó là việc cần kíp.
Bình luận (0)