Lời cảnh báo trên của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không còn là một gợi ý mà là đặt lại trọng tâm của kế hoạch phát triển hệ thống metro trong thời gian tới. Kế hoạch này phải thay đổi để theo kịp chiến lược quốc gia về quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển TP HCM theo cơ chế đặc thù mới.
"Giấc mơ metro" - có thể tạm gọi như thế - nhằm hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của thành phố đã được đặt ra từ gần 2 thập kỷ trước. Kế hoạch này gồm 9 hệ thống metro kết nối trung tâm với toàn bộ khu vực ngoại thành. Năm 2012 đã khởi động tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và kế đó là tuyến Bến Thành - Tham Lương. Đặc biệt là tuyến số 1, gánh vác trọng trách vừa là hình mẫu, vừa là thử nghiệm để đổi lấy những kinh nghiệm vận hành, khởi động tiếp cận các nguồn đầu tư, tập huấn nguồn lực... cho những tuyến metro kế tiếp. Trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu được những vấp váp, chậm nhịp mà tuyến metro số 1 đang gặp phải. Những vấn đề này có thể cải thiện và đã khắc phục xong, chờ lăn bánh.
Nhưng giờ đã khác, khi hình thành vùng phát triển Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước mà hệ thống metro chỉ phát triển nội vùng TP HCM thì hiệu quả không cao, tự nó đã đoạn tuyệt với thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, những quy hoạch về hệ thống đường ôtô đã thay đổi rất nhanh, ưu tiên rất lớn cho toàn vùng nên muốn hệ thống metro phát huy được hiệu quả cao nhất thì phải kết nối chặt chẽ với hệ thống này.
Thử hình dung một người từ trung tâm TP HCM đi Bình Dương. Họ đón metro ra TP Thủ Đức chỉ mất 20 phút, rồi đi xe buýt mất hơn 40 phút cho quãng đường vài km đến bến xe và mất thêm 1 giờ để đến Bình Dương. Thật bất tiện nên tốt nhất vẫn phải dùng xe cá nhân hoặc đi ôtô từ trung tâm thẳng đến Bình Dương! Nếu thông suốt bằng hệ thống metro với tốc độ 80 km/giờ, từ trung tâm TP HCM đến trung tâm tỉnh Bình Dương chỉ mất 30 phút. Về mặt kinh tế, tốc độ sẽ được tính ra bằng tiền, bằng sự làm lợi cho xã hội, bằng sự thay đổi diện mạo của cả một vùng đất.
Với hệ thống giao thông hiện hữu, chúng ta không hy vọng hệ thống xe buýt vốn xập xệ, tốn kém như hiện nay có thể giải được bài toán giao thông công cộng. Trong tương lai, metro phải cáng đáng vai trò chính với hệ thống đường trên cao, đường sắt ngầm, tàu điện siêu tốc liên vùng...
TP HCM có nguồn lực lớn, hệ thống kinh tế mạnh, đóng vai trò đầu tàu phát triển ở vùng phía Nam nên những mô hình được áp dụng ở đây sẽ được phổ biến cho những địa phương khác. Giới hạn trong bức tranh giao thông công cộng, việc tổ chức metro tại TP HCM thành công sẽ có tác động cộng hưởng đến những địa phương lân cận. Đi trước luôn khó khăn nhưng tích lũy được kinh nghiệm để người đi sau luôn thuận lợi. Đó chính là giá trị.
Bình luận (0)