Sáng 12-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng làm việc với UBND TP HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 53/2005 và Kết luận số 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TP HCM.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt vấn đề về sự tác động của ùn tắc giao thông đối với sự phát triển của thành phố.
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Phan Công Bằng, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực giao thông của thành phố thường chiếm ¼ cả nước nên áp lực hệ thống giao thông rất lớn. Được đánh giá là địa phương ùn tắc giao thông nghiêm trọng, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỉ USD do ùn tắc.
Trong năm 2020, thành phố có 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông (giảm từ 37 điểm năm 2016, 34 điểm năm 2017, 28 điểm năm 2018, 22 điểm năm 2019), tập trung tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ.
Kết quả khảo sát tại khu vực cửa ngõ, trung tâm và cảng hàng không cho thấy lưu lượng giao thông tại các giao lộ đã tiệm cận và vượt khả năng thông hành của giao lộ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì buổi làm việc
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng để tác động hành vi, thói quen tham gia giao thông của người dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho hay việc tổ chức lại hệ thống metro cần cách tiếp cận khác, nếu làm rời rạc từng tuyến như hiện nay thì tới năm 2045 cũng không xong, mà xong cũng khó dùng được. Mặt khác, cần phát huy giao thông thủy.
Hiện tại quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia với 9 quy hoạch thành phần đã có, nhưng nếu tiếp cận với góc độ kết nối vùng thì tích hợp 9 thành phần thành một đề án kết nối vùng sẽ quyết được những vấn đề cơ bản.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết cần có cách tiếp cận khác trong tổ chức giao thông công cộng tại thành phố
Trước đó, thay mặt UBND TP HCM báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 53, lãnh đạo Sở KH-ĐT TP HCM cho biết với vị trí địa lý thuận lợi (nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế), TP HCM đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng.
Giai đoạn 2016-2020, TP HCM đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại của vùng Đông Nam Bộ đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng.
Nếu xét vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, riêng TP HCM đóng góp 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của cả vùng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 53
TP HCM có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào thành phố và đầu tư của thành phố ra vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đây cũng là trung tâm ngân hàng, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo của vùng, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao về dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp trong vùng…
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh thành: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh vùng Đông Nam bộ cùng với tỉnh Long An và Tiền Giang (2 tỉnh này về mặt địa lý thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm logistics, đầu mối xuất nhập khẩu cả nước lớn nhất cả nước do đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có nhiều lợi thế về hạ tầng và dịch vụ logistics. Hệ thống các cảng biển vùng Đông Nam bộ đảm nhận gần 50% khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên cả nước.
Ngoài quy mô dân số lớn nhất, Đông Nam Bộ còn là vùng có sức hút lớn nhất cả nước về dân số, lao động.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm 9,2% diện tích; 22,37% dân số cả nước. Năm 2020 khu vực này đóng góp gần 50% vào tăng trưởng kinh tế cả nước.
Bình luận (0)