Yên Bái là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ qua, toàn tỉnh có ít nhất 11 người chết. Tính đến ngày 22-7, riêng huyện Văn Chấn đã có 5 người chết, 3 mất tích, 13 người bị thương và hơn 462 ngôi nhà bị lũ phá tan tành.
Đìu hiu xóm nhỏ nơi rốn lũ
Đường đi vào bản Tủ, xã Sơn Lương những ngày này gập ghềnh đất đá, phải đi bộ đoạn đường hơn 5 km mới vào đến bản. Nơi này chưa bao giờ có đợt lũ lớn như trận lũ vừa rồi, lũ đi qua cuốn đi tất cả tài sản của người dân nơi đây và cuốn luôn cả những người thân của họ. Lực lượng cứu hộ phải dùng đến xe chuyên dụng của quân đội mới mở đường vào được với bản Tủ. Bản Tủ tan hoang, xơ xác không còn ai nhận ra.
Chị Đinh Thị Quý mất chồng và không có chỗ để lập bàn thờ
Anh Lò Văn Dung (44 tuổi) thất thần cầm nắm hương đi dọc con suối tìm vợ nhưng không thấy, anh lại về đống đổ nát nơi mái nhà cũ của gia đình đã bị dòng lũ cuốn trôi cả vợ con anh đêm 20-7.
Thi thể em Lò Văn Dui (con anh Dung) hơn 2 tuổi được tìm thấy sau đó cách nhà khoảng 50 m đã không còn nguyên vẹn, anh Dung khóc ngất khi thấy thi thể con trai. Gia đình nghèo, anh vay nợ 25 triệu đồng để làm căn nhà cho vợ con ở, anh lên Hà Nội làm thuê mới được 7 ngày mà cơn lũ cuốn sạch những gì anh chăm chút, mơ ước.
"Dui không có tấm ảnh nào để làm ảnh thờ, nhà tôi cũng không còn nữa nên cũng không biết để ban thờ ở đâu mà thắp cho con nén hương nên đành dựng tạm chiếc bàn lên trên nền nhà cũ để thắp" - anh Dung ngậm ngùi.
Cùng cảnh ngộ với anh Dung, chị Đinh Thị Quý - hàng xóm nhà anh Dung bị mất chồng là anh Hà Văn Hòa. "4 giờ 30 phút lũ tràn về bản Tủ, cả bản hô hoán chạy thoát thân, già trẻ lớn bé đều thất thần chạy lên đoạn đất cao. Lũ đổ về chỉ trong phút chốc đã cuốn đi tất cả, tiếng trẻ nhỏ khóc lóc, tiếng người lớn vang vọng cứu người mắc kẹt. Tất cả diễn ra nhanh lắm, không kịp trở tay, chỉ còn biết nhìn lên trời mà khóc" - chị Quý nghẹn ngào.
Nhà chị Quý cũng bị cuốn trôi tất cả, bàn thờ anh Hòa - chồng chị - được mọi người dựng lên trên nền đất cũ của gia đình, không di ảnh, không hoa trái, chỉ có thùng mì gói được phát và ít hương khói nhạt nhòa.
Hỗ trợ cho dân vượt qua nghịch cảnh
Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Yên Bái ngày 22-7, 3 ngày sau khi xảy ra lũ quét, trên địa bàn huyện Văn Chấn vẫn còn 3 xã bị cô lập về giao thông. Sáng 21-7, chính quyền tỉnh Yên Bái tiếp tục mở đường tiếp cận vào xã Sơn Lương, lực lượng quân đội băng đường rừng, đường suối đến với người dân các xã Nậm Mười, Sùng Đô.
Trước thiệt hại nặng nề của người dân, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ bước đầu đối với trường hợp chết người và mất tích là 10 triệu đồng/nạn nhân. Đối với những trường hợp bị thương là 3 triệu đồng/người. Với những gia đình bị sập, trôi hoàn toàn nhà cửa thì tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ và 15 kg gạo/nhân khẩu cho tháng đầu tiên. Tỉnh cũng hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ sơ tán khẩn cấp, 10 triệu đồng cho những hộ bị hư hỏng nhà cửa trên 70%.
3 phương án tái định cư cho dân
Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, từ năm 2016 tỉnh Yên Bái đã đề xuất đề án về tái định cư cho người dân nhưng trung ương chưa phê duyệt. Trong tình hình hiện nay, việc tái định cư tạm thời cho người dân tỉnh Yên Bái đưa ra hiện có 3 phương án: ở xen kẽ; tạm thời ở với anh em họ hàng, tìm cách vận động người thân chia sẻ đất đai; các ngành chức năng tập trung nghiên cứu từng điểm hợp lý rồi di dân. Hiện những người dân không có chỗ ở đa phần đều đang ở nhà người thân hoặc nhà văn hóa thôn.
Bình luận (0)