Ngày 29-8, một lãnh đạo Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (thôn 16, xã Cư Bông, huyện Ea Kar). "Vụ việc rất phức tạp, còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ nên chưa thể cung cấp chi tiết cho báo chí" - vị này nói.
Mở đường đi phá rừng
Theo báo cáo của UBND xã Cư Bông, ngày 27-8, UBND xã phối hợp với các ngành kiểm tra về việc khai thác rừng phòng hộ tại thôn 16. Qua đó, phát hiện khoảng 9 ha rừng phòng hộ tại Tiểu khu 701 bị tàn phá. Tại hiện trường, số gỗ keo đã khai thác, vận chuyển gần hết. Các cây keo bị cắt có đường kính từ 15 đến 60 cm. Dọc trên đỉnh đồi còn một số cây keo nằm rải rác đã đốn hạ có đường kính từ 20 đến 60 cm. Ngoài ra, lâm tặc còn mở đường vành đai để phục vụ khai thác, vận chuyển gỗ có chiều dài khoảng 500 m, rộng 6 m bằng xe múc và khoảng 200 m được mở vào khoảng đêm 26-8.
Việc phá rừng phòng hộ cũng diễn ra từ nhiều tháng trước đó nhưng không có bất kỳ cơ quan nào phát hiện ngăn chặn. Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Cư Yang (huyện Ea Kar), ngày 25-7, xã nhận được nguồn tin từ người dân cho biết có một số cá nhân đang khai thác gỗ tại khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn 15 (xã Cư Yang, cũng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý) nên tổ chức lực lượng đi kiểm tra. Tuy nhiên, công ty này cho rằng đơn vị đã được cấp thẩm quyền cho phép khai thác tận thu cây bị gãy đổ.
Hơn 52 m3 gỗ bị công an thu giữ trên 2 xe tải
Cho thu cây gãy, phá cây đứng
Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk có chủ trương xử lý gỗ rừng trồng do bão số 12 gây ra. Ngày 29-5, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar đã ký kết hợp đồng kinh tế với ông Vi Văn Sính (ngụ huyện Ea Kar) thu gom gỗ gãy đổ trên diện tích 8,89 ha tại Tiểu khu 692 (thuộc địa giới hành chính thôn 15, xã Cư Yang). Mặc dù thời hạn tận thu đã hết từ cuối tháng 7-2018 nhưng lợi dụng chủ trương này cùng với sự buông lỏng quản lý của chủ rừng, các đối tượng đã ngang nhiên mở đường vào tàn phá rừng trên diện tích hàng chục hecta. Theo quan sát tại hiện trường, những cây gỗ bị gãy đổ không được tận thu mà các đối tượng lại cắt hạ hàng trăm cây gỗ đứng.
Liên quan đến vụ việc, ngày 22-8, Công an huyện Ea Kar phát hiện và bắt giữ 2 xe tải chở 52 m3 gỗ keo không rõ nguồn gốc. Mở rộng điều tra, công an phát hiện rừng bị tàn phá vô tội vạ, nhiều diện tích không nằm trong kế hoạch tận thu gỗ gãy đổ. Ngoài số gỗ đã vận chuyển đi trước đó, 52 m3 gổ trên 2 xe bị bắt thì công an cũng thu gom tại hiện trường nhiều khối gỗ chưa được vận chuyển.
Chủ rừng không biết gì
Ông Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, cho biết công ty đã ký hợp đồng với ông Sính để tận thu cây gãy đổ nhưng không nắm rõ số lượng gỗ tận thu, trên diện tích bao nhiêu hecta vì công an vừa thu giữ toàn bộ hồ sơ liên quan. "Cho tận thu trên diện tích chỉ mấy hecta thôi và thời hạn tận thu cũng đã hết trước khi công an bắt 2 xe chở gỗ" - ông Đức nói.
Về trách nhiệm giám sát tận thu, ông Đức cho rằng được giao cho Phân trường quản lý bảo vệ rừng số 1. Phân trường này cách rừng khoảng 2 km. Trả lời các câu hỏi vì sao có người giám sát, thời hạn tận thu đã hết từ cuối tháng 7 nhưng mới đây lâm tặc mở đường vận chuyển gỗ lậu vì sao công ty không biết, ông Đức nói: "Công an đang điều tra, sau khi có kết luận mới được phát ngôn. Hiện nay, chúng tôi chưa biết đúng sai thế nào, quá trình giám sát công ty không phát hiện vấn đề gì".
Bình luận (0)