Chiều 2-10, phóng viên Báo Người Lao Động nhận được văn bản của TAND tỉnh Đắk Lắk từ Sở TTTT tỉnh Đắk Lắk chuyển qua phản hồi vụ việc không cho báo chí ghi hình tại phiên tòa xét xử công khai.
TAND tỉnh Đắk Lắk
Theo văn bản này, ngày 15-9, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án lao động về việc: "Yêu cầu tuyên bố Quyết định cho nghỉ việc là trái pháp luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại", giữa nguyên đơn ông Đoàn Thanh Tùng và bị đơn Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (viết tắt là Công ty Prudential Việt Nam).
Theo TAND tỉnh Đắk Lắk, tại phiên tòa, khi bắt đầu phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa đã phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án, giải thích cho những người tham gia tố tụng biết việc Bản án sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố. Tuy nhiên, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là Công ty Prudential Việt Nam đã yêu cầu Tòa án không công bố Bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án vì lý do liên quan đến bí mật kinh doanh, mức lương, thưởng cũng như các chính sách của Công ty đối với từng nhân viên.
"Do đó, để đảm bảo quyền nhân thân, cũng như tôn trọng quyền đối với hình ảnh của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu các phóng viên chỉ được ghi tin bài mà không được quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa, nhưng các phóng viên vẫn tự ý quay phim, chụp hình tại phiên tòa nên Chủ tọa phiên tòa có nhắc nhở đối với phóng viên" - báo cáo của TAND tỉnh Đắk Lắk nêu rồi cho rằng với những quy định trên, HĐXX không cho phóng viên ghi hình ảnh là đúng pháp luật.
Về việc này, ở đây chúng tôi chưa bàn tới việc TAND tỉnh Đắk Lắk có áp dụng đúng quy định của pháp luật hay không, Công ty Prudential Việt Nam có yêu cầu "giữ bí mật" hay không mà chúng tôi khẳng định TAND tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo, phản hồi không đúng diễn biến sự việc.
Cụ thể, trước khi phiên tòa diễn ra, phóng viên Báo Người Lao Động và 1 phóng viên nữa tới xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cho thư ký phiên tòa. Tiếp nhận các loại giấy tờ của phóng viên, thư ký (theo quyết định đưa vụ án ra xét xử là bà Phan Thị Linh Chi) đã vào báo cáo với chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Huờn, thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk. Ít phút sau, nữ thư ký tòa ra trả lại giấy tờ và cho rằng chủ tọa phiên tòa nói báo chí được đăng tin tức nhưng không được quay phim, chụp ảnh trong phòng xử án. Lúc này phiên tòa vẫn chưa diễn ra. Chúng tôi có đủ chứng cứ để khẳng định điều này.
Do đó, TAND tỉnh Đắk Lắk nói khi bắt đầu phần thủ tục, từ yêu cầu của Công ty Prudential Việt Nam, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu các phóng viên chỉ được ghi tin bài mà không được quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa là không đúng sự thật. Bên cạnh đó, sau khi chủ tọa yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh, phóng viên Báo Người Lao Động đã tuân thủ chứ không phải "các phóng viên vẫn tự ý quay phim, chụp hình tại phiên tòa nên chủ tọa phiên tòa có nhắc nhở đối với phóng viên" như báo cáo.
Sau đề nghị bồi thường 1 tỉ đồng là... trắng tay
Như đã phản ánh, cho rằng việc Công ty Prudential Việt Nam ra các quyết định cho nghỉ việc là trái pháp luật nên ông Tùng đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần tổng số tiền hơn 1,8 tỉ đồng.
Ngày 15-5-2020, TAND TP Buôn Ma Thuột mở phiên tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty Prudential Việt Nam phải bồi thường tiền lương, tiền phụ cấp và các chế độ khác cho ông Tùng với số tiền hơn 288 triệu đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Prudential Việt Nam đề nghị thỏa thuận bồi thường cho ông Tùng 1 tỉ đồng nhưng ông Tùng không đồng ý.
Sau gần 1 ngày xét xử, HĐXX phúc thẩm bất ngờ tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tùng. Đồng nghĩa với việc ông Tùng không được bồi thường 1 đồng nào.
Bình luận (0)