Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, cho biết dự báo số ca Covid-19 trong những ngày tới tại TP HCM sẽ trên 1.000 người/ngày nên bộ phận này đã lên kịch bản trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại TP HCM có thể lên tới 10.000 người. Do đó, TP HCM đặt mục tiêu nỗ lực "bốc" ngay F0 ra khỏi cộng đồng.
Bệnh viện TP Thủ Đức triển khai dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà. (Ảnh: Bệnh viện TP Thủ Đức)
Ngành y tế đã đánh giá lại năng lực của 17 phòng xét nghiệm tại TP HCM (xét nghiệm khoảng 7.000 mẫu/ngày), nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ - ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các F1 đang ở trong khu cách ly tập trung.
Trong 15 ngày tới, với ước tính 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), TP HCM cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm RT-PCR. Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm Xét nghiệm RT-PCR với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.
Nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao được thực hiện mẫu gộp toàn gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. TP HCM đang có 2.500 đội lấy mẫu với 4.000 người, công suất mỗi ngày 350.000-400.000 mẫu cho 20 đơn vị xét nghiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có những thay đổi trong công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ở TP HCM để phù hợp với thực tiễn. Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm. Thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Với khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình, lấy mẫu gộp tất cả thành viên trong nhà ở/hộ gia đình (gộp chung vào 1 ống), thực hiện gộp mẫu như trên.
Các khu vực khác thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài nhà (lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu...). TP HCM cần thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...
Việc thay đổi về chiến lược xét nghiệm như vậy đối với TP HCM đặt ra vấn đề là 2.500 đội lấy mẫu có thể chưa đáp ứng đủ. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi với TP HCM để điều phối thêm nhân lực, huy động lực lượng của bộ cùng TP thực hiện.
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng số lượng phân phối vắc-xin cho TP HCM, điều động 30 xe tiêm lưu động bao gồm bàn tiêm, thùng đựng vắc-xin có sẵn để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Cùng ngày, làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thống nhất với đề xuất của tỉnh cho cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện, đồng thời đề nghị địa phương khẩn trương áp dụng ngay; chia sẻ, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác. Trong tuần tới, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ điều động khẩn cấp y - bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế chi viện cho Đồng Tháp.
Bình luận (0)