Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với nhiều thay đổi quan trọng.
Lương tăng, mong ngóng từ lâu
Điểm đáng chú ý nhất tại dự thảo là đưa vào quy định: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lươnghành chính sự nghiệp Ảnh: Hoàng Triều
Bộ GD-ĐT cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề lương giáo viên và thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục. Cụ thể, theo Bộ GD-ĐT, việc sửa đổi, bổ sung điều 81 về tiền lương của nhà giáo nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ GD-ĐT trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau nên Bộ GD-ĐT muốn xin ý kiến của Chính phủ.
Trước đổi mới đặc biệt quan trọng liên quan đến chính sách đối với giáo viên, bà Hoàng Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ đây thật sự là điều mà các nhà giáo mong ngóng từ lâu. Theo bà Mai Phương, với quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 30 năm đối với giáo viên THCS, 27 năm đối với giáo viên THPT. Theo tính toán thì mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học sau 24 năm chỉ tăng 2.860.000 đồng và rõ ràng điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo cống hiến.
Miễn học phí bậc THCS
Khoản 1 điều 105 Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ở dự thảo này, Bộ GD-ĐT đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Đưa ra điều chỉnh quan trọng này, Bộ GD-ĐT nêu rõ: Căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.
Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.
Riêng cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Liên thông các cấp học
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điều 29 trong Luật Giáo dục hiện hành về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (SGK), đưa vào nội dung "một chương trình nhiều SGK". Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông áp dụng thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện bảo đảm tính linh hoạt, đồng thời có một số SGK cho mỗi môn học.
Một đề xuất đáng chú ý khác là sẽ sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Theo đó, giáo dục phổ thông sẽ được chia thành hai giai đoạn gồm: giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT). Trong đó, giáo dục tiểu học gồm từ lớp 1 đến hết lớp 5, giáo dục THCS từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh (HS) vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học, tương đương 11 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, HS có thể học tiếp lên THPT hoặc các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.
Giáo dục THPT thực hiện trong 3 năm từ lớp 10 đến hết lớp 12. Đặc biệt, trong thời gian học THPT, HS có thể chuyển ngang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu.
Các trường ĐH quyết định mức học phí
Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Theo dự thảo, sẽ có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật GD ĐH sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GD ĐH. Trên cơ sở đó, các cơ sở GD ĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.
ý kiến
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:
Cần được giải quyết thỏa đang
Việc nâng bậc lương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang dẫn đến hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên. Nguyên nhân của vấn đề này là do việc nâng bậc lương chủ yếu dựa vào thâm niên công tác, chưa chú trọng kết quả công việc. Trên cơ sở sửa luật, quy định bất cập này cần được giải quyết thỏa đáng.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Nghiên cứu kỹ việc nâng lương giáo viên
Tôi ủng hộ việc cần cải cách tiền lương cho giáo viên, vì nâng lương giáo viên thì người được hưởng lợi là toàn xã hội chứ không phải chỉ có giáo viên. Trên thực tế, nếu giáo viên có nguồn thu nhập đủ sống sẽ không phát sinh tình trạng dạy thêm, học thêm, giáo viên tận tâm cống hiến cho công việc. Tuy nhiên, cần phải có một đề án nghiên cứu tỉ mỉ từ nhiều phía, nhiều góc cạnh thì mới thuyết phục được việc nâng lương giáo viên.
Bình luận (0)