Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP HCM, vi phạm tốc độ vẫn đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) từ đầu năm đến nay. Vì vậy, các đơn vị đang nghiên cứu để đề xuất nâng mức phạt tiền đối với những trường hợp vi phạm tốc độ nhằm giảm TNGT trên địa bàn.
Phóng xe bạt mạng
Ghi nhận thực tế trên nhiều tuyến đường tại TP cho thấy tình trạng xe chạy quá tốc độ, đặc biệt là những phương tiện có trọng tải lớn, luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Có mặt trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân) chiều 1-6, phóng viên ghi nhận từng đoàn xe tải nặng, xe container, xe khách… chạy rầm rập. Đặc biệt, xe đưa đón công nhân của Công ty Pou Yuen Việt Nam (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) chạy như "đua" trên đường. Tại các đoạn ùn ứ, những xe này không thể chạy nhanh nhưng khi vừa thoát khỏi, tài xế lập tức nhấn ga, "vượt mặt" hàng loạt phương tiện khác. Càng về khuya, những loại xe tải, xe container… cũng chạy với tốc độ chóng mặt khi không thấy lực lượng chức năng.
Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở đoạn dốc cầu Phú Mỹ (phía quận 2) do xe chạy quá tốc độ Ảnh: Gia Minh
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức); xa lộ Hà Nội (quận 9 và Thủ Đức); Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình); Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)… Tại đoạn đổ dốc cầu Phú Mỹ (phía quận 2), nhiều phương tiện chạy quá tốc độ đã gây ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua. Chưa hết, ở nhiều tuyến đường, người chạy xe máy cũng bạt mạng không kém khi thường xuyên chạy vào làn đường ôtô với tốc độ cao. Nhất là trên tuyến xa lộ Hà Nội, đoạn qua trạm thu phí đang ngưng hoạt động, nhiều xe máy bất chấp lưu thông vào các làn thu phí, kèn cựa với các ôtô trọng tải lớn khiến nguy cơ xảy ra TNGT bất cứ lúc nào.
Một vấn đề đang làm đau đầu cơ quan chức năng là nạn đua xe tại TP vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi hơn khi các "quái xế" và "lò" độ sử dụng mạng xã hội để thành lập mạng lưới. Từ những trang này, nhiều nhóm thanh niên tự động liên kết rồi thành lập nhóm, có sự phân công nhau theo dõi hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để tổ chức đua xe.
Người vi phạm thiếu hợp tác
Theo thống kê, từ ngày 20-1 đến 31-3, có 7.368 trường hợp vi phạm về tốc độ bị lập biên bản xử phạt hành chính. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm tốc độ bị xử lý tăng 1.467 trường hợp. Thế nhưng, theo một số đơn vị trực thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP và CSGT các quận, huyện trên địa bàn TP, việc xử lý vi phạm tốc độ hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là trang thiết bị chuyên ngành còn hạn chế, chưa được đầu tư hiện đại, chất lượng hình ảnh kém. Trong khi đó, nhiều người vi phạm lại yêu cầu CSGT phải cung cấp ngay hình ảnh mới chịu hợp tác khiến lực lượng chức năng tốn không ít thời gian để giải thích và xử lý.
"Theo quy định, CSGT khi phát hiện vi phạm tốc độ, nếu có hình ảnh chứng minh tại chỗ thì có thể xử phạt ngay. Trường hợp chưa có hình ảnh chứng minh, CSGT có quyền mời người vi phạm về đơn vị để cung cấp hình ảnh xử lý. Tuy nhiên, nhiều người vi phạm không đồng tình, thiếu hợp tác" - đại diện đội CSGT Cát Lái (thuộc PC67) cho biết. Do đó, việc được đầu tư trang thiết bị hiện đại là rất cần thiết để thuyết phục và hạn chế tình trạng người vi phạm phản đối hoặc khiếu nại khi bị xử phạt.
Một khó khăn khác theo đội CSGT Cát Lái là có hiện tượng một số người gây khó dễ khi lực lượng công khai của ngành mặc đồng phục thực hiện đo tốc độ. Chưa kể, nhiều tuyến đường ở khu vực nội đô không có biển báo quy định tốc độ nên khó xử lý người vi phạm. Thượng tá Trần Văn Thương, Phó Phòng PC67, cho rằng việc tuần tra, kiểm soát phải kết hợp tuyên truyền có hiệu quả, trọng tâm để nâng cao ý thức cho người dân. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế, các đơn vị cho biết ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa cao. Vì vậy, giải pháp căn cơ là ngoài việc tuyên truyền, tổ chức lại giao thông phù hợp thì cần phải có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý.
Tăng mức phạt theo từng hành vi
Thực tế cho thấy tai nạn xuất phát từ nguyên nhân vi phạm tốc độ đang phức tạp và ngày càng gia tăng. Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc chạy xe quá tốc độ thường đi kèm với việc sử dụng rượu bia hoặc từ các đối tượng tụ tập đua xe. Các vụ TNGT liên quan đến những nhóm nguyên nhân này thường nghiêm trọng về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người, tài sản.
Trong việc nghiên cứu để đề xuất nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tốc độ, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, cho hay các đơn vị sẽ cân nhắc và đánh giá từng hành vi cũng như mức độ vi phạm để đưa ra mức xử lý phù hợp. "Lý do là ở từng tuyến đường, từng khu vực đều có đặc thù riêng và TNGT cũng thường tập trung trong từng thời điểm. Do đó, những vấn đề này sẽ được nghiên cứu và đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp" - ông Tường nói. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng sẽ khảo sát và đề xuất Sở GTVT TP bổ sung các biển báo hạn chế tốc độ ở một số tuyến đường trọng điểm, có TNGT phức tạp.
Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP), điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) có nêu, đối với vi phạm giao thông tại nội thành của các TP trực thuộc trung ương, HĐND TP có quyền quyết định, ban hành khung tiền phạt và mức tiền phạt nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm. Từ thực tế tại TP, luật sư Đức đánh giá không chỉ vi phạm tốc độ mà hàng loạt hành vi khác như vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chạy ngược chiều… đang diễn ra phổ biến nhưng mức phạt và các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Đức đặt vấn đề nếu tăng mức phạt thì cơ quan quản lý phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch trong đội ngũ xử phạt và công khai số tiền thu được sẽ sử dụng vào lĩnh vực nào; đồng thời có thể nghiên cứu tăng mức chế tài đối với đội ngũ xử phạt để hạn chế tiêu cực. Ngoài ra, luật sư Đức còn nhìn nhận để giảm thiểu TNGT, không đơn lẻ ở việc tăng mức phạt về vi phạm tốc độ mà cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như đầu tư hạ tầng, bổ sung hệ thống camera giám sát, trang thiết bị chuyên ngành…
Trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM), nhiều xe tải, xe bồn chạy bạt mạng
Ảnh: Ngọc Hân
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đề xuất tăng mức phạt cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học ở từng khu vực, từng tuyến đường. Ông Sanh cho biết theo Thông tư 91, việc tốc độ được cho phép tăng lên một số tuyến đường nội đô, được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ TNGT xảy ra. Vì vậy, TP trước mắt cần nghiên cứu cụ thể để điều chỉnh lại tốc độ ở từng tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp. Còn theo hướng tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm tốc độ, ông Sanh cho rằng phải dựa trên các nghiên cứu cụ thể, có đánh giá về sự tác động với từng nhóm đối tượng, đồng thời phải có biện pháp quản lý để tránh phát sinh những tiêu cực.
Trong khi đó, qua khảo sát, một số ý kiến cho rằng việc tăng mức phạt là điều cần thiết bởi sẽ tác động phần nào và có thể cải thiện ý thức của người đi đường. Tuy nhiên, nhiều người cũng phân vân việc tăng mức phạt như trên nhằm mục đích giảm TNGT sẽ rất khó tác động tới những người đã sử dụng rượu bia hoặc các đối tượng đua xe. Vì vậy, cần phải đánh giá về tính hiệu quả của vấn đề này. "Hơn nữa, tôi thấy còn bất cập khi ở nhiều tuyến đường không có biển báo quy định tốc độ, vì vậy hầu hết các phương tiện lưu thông qua đều theo cảm tính của người điều khiển. Nếu áp dụng mức tăng thì cần phải giải quyết đồng bộ những vấn đề này" - chị Thanh (ngụ quận Bình Thạnh) góp ý.
Số người chết do TNGT tăng
Theo Sở GTVT TP HCM, trong 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn xảy ra 1.474 vụ TNGT, làm chết 303 người và bị thương 1.007 người. So với cùng kỳ năm 2017, số người chết do TNGT gây ra tăng 37 người. Trong khi đó, chỉ tính riêng tháng 5, trên địa bàn TP xảy ra 280 vụ TNGT, làm chết 37 người và bị thương 189 người.
Bình luận (0)