Chiều 31-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về diễn biến và công tác chống dịch hiện nay.
Số ca F0 có xu hướng giảm
Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, công tác phòng chống dịch tại điểm nóng huyện Việt Yên đã có những biến chuyển rõ nét và theo chiều hướng kiểm soát tốt. Các biện pháp phong tỏa đang phát huy tác dụng trong nỗ lực chống dịch; công tác thu dung bệnh nhân và cách ly F1 được thực hiện kịp thời. Các F1 chuyển thành F0 cũng nhanh chóng được chuyển tới các bệnh viện để điều trị.
Tín hiệu đáng mừng là số ca F0 phát hiện ở các điểm nóng có xu hướng giảm. So với lần lấy mẫu đầu tiên thì số ca F0 phát hiện trong lần thứ 2 giảm tới 50%. GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, dự báo số ca F0 có khả năng tiếp tục giảm sâu trong lần lấy mẫu thứ 3.
Dự kiến hôm nay (1-6), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, sẽ đến huyện Việt Yên để chỉ đạo công tác chống dịch. Với hỗ trợ tăng cường và lực lượng chi viện của tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên..., công suất lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Việt Yên dự kiến tăng 150% trong những ngày tới.
Nhận định huyện Việt Yên đang đi đúng hướng trong triển khai công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý đối với khu vực cách ly trường hợp F1, phải tăng cường "quét" xét nghiệm, không để 3 ngày mới phát hiện ca mắc.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã sàng lọc, tầm soát các huyện đang được coi là an toàn, với trên 45.000 mẫu đều cho kết quả âm tính. Trong 2 ngày qua, qua các trường hợp sốt, ho phát hiện từ tổ Covid-19 cộng đồng và qua Bluezone, tỉnh cũng đã xét nghiệm nhanh và lấy mẫu xét nghiệm PCR 247 trường hợp, kết quả đều âm tính. Phó Thủ tướng cho rằng đây là việc làm rất cần thiết, tỉnh cần tiếp tục thực hiện, duy trì tầm soát liên tục ở khu vực an toàn, đồng thời tăng tần suất xét nghiệm ở những vùng nguy cơ để nhanh chóng phát hiện nếu có ca mắc và quản lý tốt để dịch không lây lan, không có thêm ca mới.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bệnh viện cần tăng cường năng lực điều trị vì đây là virus biến chủng, bệnh diễn tiến nhanh. Việc thực hiện quy trình tiêm vắc-xin, đặc biệt tại vùng đang có dịch, cần tuân thủ đầy đủ các bước, từ tư vấn, khám sàng lọc, theo dõi, chuẩn bị kỹ các tình huống xử trí các phản ứng sau tiêm...
Ngày 31-5, Bắc Giang đã tiêm vắc-xin Covid-19 cho 9.000 công nhân và tiếp tục tăng tốc vào ngày 1-6, quyết tâm trong 1 tuần sẽ tiêm xong hơn 100.000 liều vắc-xin được phân bổ cho công nhân trong khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN
San tải khu cách ly, tránh F1 thành F0
Cùng ngày, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã đi kiểm tra khu cách ly tập trung ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, TP Hà Nội) trong bối cảnh tại đây có nhiều ca F1 trở thành F0.
Theo CDC Hà Nội, từ ngày 23-5 đến nay, khu cách ly tập trung trên ghi nhận 50 trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2; riêng ngày 30-5 là 35 trường hợp. Hiện có 927 người thuộc diện F1 đang cách ly tại đây.
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo san tải, giảm mật độ và xét nghiệm thường xuyên nhằm lọc ra các ca nghi nhiễm, đưa đi điều trị kịp thời; khử khuẩn liên tục nhằm tránh lây nhiễm trong khu cách ly.
Thống nhất với các phương án đã được đặt ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo với các trường hợp hết 21 ngày cách ly trong khu cách ly ở trường nhưng ở trong phòng có ca nhiễm phải giải thích cụ thể để người dân hiểu và tiếp tục cách ly thêm 14 ngày để bảo đảm an toàn. Với những trường hợp khác cần phải cách ly thêm 7 ngày. Sở Y tế rà soát, ưu tiên tiêm vắc-xin cho cán bộ, nhân viên phục vụ và cả người xử lý rác các khu cách ly tập trung; xét nghiệm tất cả lực lượng tuyến đầu.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lưu ý thêm các việc mà khu cách ly tập trung phải làm là phối hợp với các địa phương phân loại ngay từ đầu để chia người cách ly thành các nhóm nguy cơ; nguy cơ cao phải xếp vào khu vực riêng. Đồng thời rà soát, xây dựng quy trình cụ thể, khép kín, một chiều ở từng khu cách ly cho phù hợp với đặc thù; rà soát các quy định về chuyên môn, thực hiện nghiêm túc các quy định. Khu cách ly tập trung phải được thường xuyên khử khuẩn các khu vực dùng chung bởi chủng virus lây lan nhanh; tập huấn đầy đủ cho các lực lượng phục vụ, quản lý trong khu cách ly.
Ngày 31-5, Việt Nam ghi nhận thêm 214 ca mắc mới. Ngoài 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, có 211 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, nhiều nhất là Bắc Giang với 134; kế đến Bắc Ninh 38, Hà Nội 28 ca, Lạng Sơn 3 ca, Bình Dương 3 ca, Long An 2 ca; Đắk Lắk, Đà Nẵng và Trà Vinh mỗi địa phương 1 ca. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 7.321, trong đó 5.815 ca ghi nhận trong nước và 1.506 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 4.245 ca.
Có 12 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Thiết lập vùng cách ly, hạn chế người về từ vùng dịch
Chiều 31-5, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đã chỉ đạo thiết lập vùng cách ly tại khu vực có ca nghi nhiễm Covid-19 về từ TP HCM. Theo đó, khu vực cách ly tại đường 30-4 thuộc khóm 5, khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh giao chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, chủ trì phối hợp với các sở, ngành khác thiết lập vùng cách ly y tế, lập ngay các chốt kiểm soát bảo đảm các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Kể từ 0 giờ ngày 1-6 đến 7-6, tỉnh Cà Mau dừng vận chuyển hành khách từ TP HCM và các tỉnh, thành phố có dịch về tỉnh này. Để phòng chống dịch Covid-19, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng quyết định dừng hoạt động của các chợ đêm, dịch vụ ăn uống, hàng quán vỉa hè...
C.Linh - V.Du
Bình luận (0)