CLIP: Tang thương phủ lấy xóm nghèo Bồng Lai - nơi có 4 người đi rừng bị núi sạt lở vùi lấp
Phóng viên Báo Người Lao Động tìm về xóm Bồng Lai (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) - nơi có 4 người dân có nhà cạnh nhau, gặp nạn và tử vong trong rừng sâu khi bị núi sạt lở.
Trong tối qua và hôm nay xóm làng chia nhau ghé từng nhà viếng tang, động viên gia chủ sớm vượt qua nỗi đau, mất mát không gì có thể bù đắp lại.
Tang thương ở xóm nghèo Bồng Lai khi có 4 người dân gặp nạn khi mưu sinh trong rừng
Ngày hôm qua, thi thể 4 người dân. Trong đó có 3 anh em ruột là: ông Nguyễn Văn Hạnh (53 tuổi); anh Nguyễn Văn Sơn (42 tuổi) và anh Nguyễn Văn Sáng (29 tuổi). Người còn lại là ông Trần Văn Lý (60 tuổi) - đã được lực lượng chức năng huyện Bố Trạch cùng thân nhân tìm thấy ở khu vực rừng sâu, cách gia đình nạn nhân tầm 20km đường rừng.
Phóng viên Báo Người Lao Động cùng chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân
Bà Hoàng Thị Liên (vợ ông Sơn) cùng các con đau đớn trước sự ra đi của người chồng, người cha
Họ đã được đưa về nhà mai táng, xóm nghèo cùng lúc dựng lên 4 rạp tang nằm san sát nhau khiến ai chứng kiến cũng nghẹn ngào, đau xót.
Trước căn nhà gỗ tuềnh toàng, bàn thờ nghi ngút khói hương, 6 đứa trẻ con bà Hoàng Thị Liên ôm nhau ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra khi người dân khiêng thi thể cha mình là ông Nguyễn Văn Sơn - được bọc tạm trong túy ni lon về nhà, rồi đến nghĩa địa chôn cất. Bà Liên mắt đỏ hoe vì khóc nhiều trong những ngày qua, bà tựa lưng vào chiếc giường ngồi bất động.
“Sơn là người chịu khó lắm, vợ chồng nó nghèo, phải đi rừng kiếm trầm để ra đồng tiền, bát gạo nuôi vợ con. Bấy nhiêu lần không sao, nhưng lần này lại vì mưu sinh mà bỏ mạng trong vùng núi lạnh lẽo. Tội nghiệp quá!” - một bác hàng xóm nghẹn ngào.
3 nạn nhân là anh em ruột, rạp tang được dựng lên san sát nhau
Sát bên là nhà ông Nguyễn Văn Hạnh (53 tuổi, anh ruột ông Sơn) và nhà anh Nguyễn Văn Sáng (29 tuổi, em ruột) - cũng đông người dân đến viếng, ai cũng rớm nước mắt vì không tin gia đình này hứng chịu nỗi đau đến vậy. Họ mất liền 3 trụ cột để lại vợ góa, con thơ cùng những căn nhà nghèo xập xệ nằm bên sườn đồi hoang sơ, buồn tủi.
Ông Hạnh bị câm điếc bẩm sinh nhưng được trời phú cho sức khỏe. Ở vùng núi hẻo lánh, cả gia đình ông chỉ có mỗi sào ruộng nên ông chọn nghề đi trầm, lấy mây trong rừng để kiếm kế sinh nhai, nuôi vợ cùng 3 người con. Nhưng nay ông không còn nữa nên bà Nguyễn Thị Hòa (vợ ông Hạnh) không biết sống ra sao. Từ khi chồng mất, bà chẳng ăn uống, nói năng gì.
Đại diện Báo Người Lao Động trao quà hỗ trợ cho gia đình anh Nguyễn Văn Sáng
Còn anh Sáng năm nay mới 29 tuổi, là con áp út trong gia đình có tới 10 người con. Bố mẹ đã mất, vì nhà nghèo thương các anh chị em, nên Sáng mãi chưa lấy vợ. Nghỉ học sớm, không có việc làm nên anh cố bám rừng để sống. Nhưng nào ngờ trong chuyến định mệnh ấy, anh Sáng cùng 2 anh ruột mình đã vĩnh viễn ra đi không ngày về.
Tại thôn Bồng Lai 1, người thân xóm nghèo đến động viên, chia sẻ mất mát với gia đình ông Trần Văn Lý (60 tuổi). Nhà ông Lý nằm bên chân đồi, cách nhà của 3 người trên chiếc cầu treo. Bà Trần Thị Qúy (59 tuổi, vợ ông Lý) bị bệnh tim đã gần 35 năm nay, khi nghe tin dữ về chồng bà lúc ngất, lúc tỉnh gào thét tên chồng: “Ông Lý ơi, ông Lý ơi…!” rồi ngất lịm trên giường.
Các con phải liên tục túc trực cạnh bà Qúy vỗ về, xoa bóp cho bà vì sợ không chịu đựng nỗi cú sốc quá lớn này.
“Ba nói ba đi 4 ngày sẽ về chở mạ đi bệnh viện, kiếm tiền mua thuốc cho mạ. Nào ngờ đây là chuyến mà ba đi mãi, không còn về với mạ và các anh em chúng con nữa…” - chị Trần Thị Thúy Linh (22 tuổi, con ông Lý) nước mắt lưng tròng.
Bà Qúy liên tục ngất lịm khi nhận tin dữ về chồng mình
Hôm 14-10, trước khi lũ tới, 3 anh em ông Hạnh cùng ông Lý hẹn nhau vào rừng tìm trầm. Đi mãi không thấy về, người thân rủ nhau liên lạc, tìm kiếm nhưng bất thành.
Khi lũ rút, họ lại băng rừng tìm và khi đến chân quả đồi sâu hun hút cách nhà khoảng 20km đường rừng, thì hãi hùng nhìn thấy cảnh quả đồi bị sạt lở tan hoang, dưới kia là dấu tích của lán trại nghi nơi các nạn nhân từng tá túc, dừng chân tại đây.
Khu vực sạt lở nơi các nạn nhân bị núi vùi lấp, tử vong trong lúc đi rừng. Nhiều lực lượng chức năng đã tìm kiếm
Họ liên tục đào bới và tìm thấy thi thể anh Sơn đã bị vùi lấp trong đống đất đá. Tuy nhiên do trời tối, địa hình hiểm trở nên họ dùng võng khiêng nạn nhân về nhà, đợi sáng mai lại đi kiếm.
Sau đó hơn 30 người gồm nhiều lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương và người thân đi bộ hơn 8 tiếng vào rừng, tới địa điểm sạt lở. Trong quá trình cứu hộ, họ đã phát hiện thi thể ông Lý, anh Sáng bị vùi lấp dưới đống đổ nát và cuối cùng là ông Hạnh bị nước trôi ra xa.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch - cho biết hoàn cảnh gia đình 4 nạn nhân rất thương tâm, đều thuộc diện đặc biệt khó khăn tại địa phương. Sau sự việc, các cấp chính quyền, đoàn thể đã thăm hỏi, động viên các thân nhân và mong họ sớm vượt qua mất mát, thương đau để ổn định cuộc sống.
“Họ đều là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và không may gặp nạn trong lũ. Biết rằng không gì có thể bù đắp được sự mất mát khi mất đi người thân, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái mong rằng có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ gia đình, giúp họ vơi đi phần nào khó khăn trước mắt” - ông Phúc bày tỏ.
Trước hoàn cảnh thương tâm của các gia đình nạn nhân, đại diện Báo Người Lao Động phối hợp với chính quyền xã Hưng Trạch đến từng nhà phúng viếng, thăm hỏi, động viên các thân nhân và trao tiền hỗ trợ 16 triệu đồng (mỗi gia đình 4 triệu đồng) nhằm chia sẻ mất mát đau thương này. Ngoài ra, Báo Người Lao Động còn trao 16 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn cho các hộ dân bị thiệt hại trong lũ tại địa bàn xã Hưng Trạch.
Đại điện Báo Người Lao Động thăm hỏi gia đình các nạn nhân
Bình luận (0)