Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên (VBF) 2018 với chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu" diễn ra ngày 4-12 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia đông đảo nhà quản lý, đối tác nước ngoài của Việt Nam, DN trong nước và quốc tế. VBF 2018 do Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức.
Doanh nghiệp còn than phiền
Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển DN, trong đó việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, đến tháng 9-2018, vẫn có tới 58% DN phải "xin" các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% DN trong số này cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép. Chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến. Tỉ lệ DN bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2017 vẫn còn tới 40%, trong đó 13% DN cho biết có sự trùng lặp nội dung các cuộc thanh, kiểm tra.
Thủ tướng cùng các đại biểu dự VBF 2018 Ảnh: QUANG HIẾU
Từ khảo sát này, ông Lộc đề nghị cần có sự thống nhất về tiêu chí cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Về cải cách thủ tục hành chính, cần nghiên cứu các phương án liên thông tối đa, DN chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan rồi cơ quan đó chuyển hồ sơ cho các cơ quan khác. Các bộ ngành, địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là đăng tải đầy đủ thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu...
Đề cập những trở ngại đối với DN, ông Mark Gillin, Trưởng nhóm công tác thuế và hải quan của VBF, cho biết vẫn còn những tồn đọng trong việc thực thi chính sách về thuế và hải quan làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Ví dụ, trong một số trường hợp, cơ quan thuế cho rằng cơ quan cấp phép đã làm sai khi cấp ưu đãi cho nhà đầu tư nhưng lại yêu cầu DN nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và thậm chí còn yêu cầu DN nộp phạt do kê khai sai thuế. "Cơ quan thuế địa phương dường như tìm mọi cách để bắt lỗi DN, từ chối cho phép DN được hoàn thuế nhằm mục đích tăng thu thuế mà không xem xét đến bản chất kinh tế của giao dịch" - báo cáo nhấn mạnh.
Cần hợp sức 3 bên
Lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.Thủ tướng cho rằng để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần có sự hợp sức của 3 bên. Đó là nỗ lực của chính DN Việt Nam; sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của DN FDI; vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ.
"Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương); cải cách DN nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công; nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn" - Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Liên tiếp trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, Chính phủ đều ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy những cải cách liên tục của Chính phủ để không bị bỏ lại phía sau, trong bối cảnh trong nước và quốc tế luôn thay đổi.
Thủ tướng cho biết vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, nếu thực hiện tốt sẽ giúp DN giảm được tối thiểu 10% chi phí. "Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa những quan tâm của DN vào các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo" - Thủ tướng nêu rõ.
Đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nicolas Audier, cho rằng Chính phủ nên đánh giá rộng hơn mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh mạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế, có thể cân nhắc áp dụng một hệ thống phân loại dữ liệu, theo đó, chỉ có dữ liệu an ninh quốc gia mới lưu trữ tại Việt Nam, nhằm giúp đất nước duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Bình luận (0)