Dù đã đến giữa tháng 6-2021 nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA vẫn rất chậm. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA, là một trong những động lực quan trọng để phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.
37 tỉnh, TP chưa giải ngân đồng nào
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết theo kế hoạch, vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến cuối tháng 5-2021, số vốn nước ngoài mà các địa phương đã giải ngân chỉ hơn 1.100 tỉ đồng, bằng 1,73% dự toán. Đến nay có 37 tỉnh, TP chưa giải ngân đồng vốn nào, điển hình như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Bộ Tài chính cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các khâu từ nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đều bị ảnh hưởng.
Ông Trương Hùng Long cũng chỉ ra nguyên nhân các dự án vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng; chậm thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án chậm tiến độ lại phải điều chỉnh dự án, liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn, vốn dự phòng làm cho quá trình thực hiện dự án kéo dài.
Dưới góc độ địa phương, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết đến hết tháng 5-2021, giá trị giải ngân vốn ODA của TP là 551 tỉ đồng, đạt 7,03% kế hoạch. Đặc biệt, một số gói thầu của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, dự án Nhà máy Nước thải Yên Xá có thiết bị phải nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc nhập thiết bị từ nước ngoài
Hàng loạt giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài chậm là "căn bệnh" nhiều năm qua, song năm nay càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi đại dịch.
Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách cho phép các chuyên gia nước ngoài liên quan đến các dự án trong nước được nhập cảnh với các điều kiện phòng chống dịch chặt chẽ kèm theo. Chính phủ, bộ - ngành cần thảo luận, bàn bạc với các nhà tài trợ để xem xét một số chính sách cấp vốn đặc thù để triển khai dự án. "Nếu như trước đây, một số nhà tài trợ yêu cầu phải có khối lượng hoàn thành cơ bản mới cấp vốn thì trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, có thể thương thảo các phương án cấp vốn phù hợp để chúng ta thực hiện dự án" - ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đề nghị các địa phương rà soát việc phân bổ dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án, trong đó ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án.
Để khắc phục tình trạng ì ạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2021, trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp như tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đáng chú ý, Chính phủ sẽ lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu, qua đó khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho các dự án
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình với Chính phủ về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
Tổ công tác sẽ rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân. Qua đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án, xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Bình luận (0)