Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tổng thể hướng tuyến và phạm vi dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Dự án).
Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án cần khoảng 85.813 tỉ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động 29.447 tỉ đồng; vốn nhà nước để đầu tư các dự án thành phần thuộc TP Hà Nội khoảng 45.847 tỉ đồng, vốn nhà nước để đầu tư các dự án thành phần thuộc tỉnh Hưng Yên khoảng 5.245 tỉ đồng, vốn nhà nước để đầu tư các dự án thành phần thuộc tỉnh Bắc Ninh khoảng 5.274 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cho biết thực tế triển khai, tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án ước tính khoảng 88.694 tỉ đồng, tăng khoảng 2.881 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó:
Dự án thành phần 1.3 có tổng mức đầu tư khoảng 5.354 tỉ đồng, tăng khoảng 2.874 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư bước chủ trương đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
Dự án thành phần 1.2 có tổng mức đầu tư khoảng 5.240 tỉ đồng, cao hơn khoảng 1.500 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư bước chủ trương đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư khoảng 55.052 tỉ đồng, thấp hơn khoảng 1.484 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt trong bước chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo của Chính phủ, Dự án có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua địa phận TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng; tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027; toàn bộ dự án được chia thành 7 dự án thành phần, cụ thể:
Dự án thành phần 1.1 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận thành phố Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỉ đồng (ngân sách trung ương khoảng 4.010 tỉ đồng, ngân sách địa phương 9.360 tỉ đồng).
Dự án thành phần 1.2 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên), tổng mức đầu tư khoảng 3.740 tỉ đồng, toàn bộ vốn ngân sách trung ương).
Dự án thành phần 1.3 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh), triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 2.480 tỉ đồng (ngân sách trung ương khoảng 2.110 tỉ đồng, ngân sách địa phương 370 tỉ đồng).
Dự án thành phần 2.1 (đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) qua địa phận thành phố Hà Nội), triển khai theo hình thức đầu tư công, chiều dài khoảng 58,2 km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỉ đồng (vốn ngân sách địa phương).
Dự án thành phần 2.2 (đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) qua địa phận tỉnh Hưng Yên), triển khai theo hình thức đầu tư công, chiều dài khoảng 19,3 km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.505 tỉ đồng (vốn ngân sách địa phương).
Dự án thành phần 2.3 (đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) qua địa phận tỉnh Bắc Ninh), triển khai theo hình thức đầu tư công, chiều dài khoảng 35,3 km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.794 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương).
Dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc), UBND thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP; chiều dài khoảng 112,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỉ đồng, vốn nhà nước khoảng 27.089 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 29.447 tỉ đồng (chiếm 52,1%).
Bình luận (0)